Long đong “nghiệp cầm quân”
Không phủ nhận đời sống huấn luyện viên (HLV) ở ta rất sung túc nếu được cầm quân một đội bóng chuyên nghiệp và hạng Nhất.
Tuy nhiên, họ cũng phải đối diện nguy cơ mất việc rất nhanh. Sau vòng 10 V.League, HLV Đặng Trần Chỉnh đã phải rời ghế để nhường cho người cũ - HLV Lư Đình Tuấn. Đây là HLV thứ hai mất chức và dự báo con số này sẽ tăng lên chỉ vài ba vòng tới.
Để thua Bình Định ngay trên sân nhà và bị đẩy xuống vị trí thứ 9 trên bảng xếp hạng khiến Câu lạc bộ (CLB) B.Bình Dương không thể kiên nhẫn với HLV Đặng Trần Chỉnh. Đáng chú ý, trong khu vực kỹ thuật đội bóng trận này, khán giả thấy rất lộn xộn bởi sự chỉ đạo của các HLV, trợ lý: Huỳnh Kesley, Phan Bá Hùng, Nguyễn Thanh Sơn, Nguyễn Đức Cảnh. HLV Đặng Trần Chỉnh từng có câu nói chua chát: “Ghế HLV 4 chân, cầu thủ nắm 2 chân”.
Câu nói đó có phần đúng với bóng đá chuyên nghiệp của ta. Thậm chí, thời điểm này HLV các đội bóng còn phải đứng trước quá nhiều áp lực: doanh nghiệp tài trợ, khán giả, truyền thông, dàn trợ lý. Nhiều đội bóng chấp nhận thành tích có thể không tốt, nhưng tuyệt đối tránh rớt hạng. Bởi, rớt hạng đồng nghĩa ngân sách cả trăm tỷ đồng không còn được doanh nghiệp “rót” vào. Đấy là số tiền nuôi sống hàng chục số phận, trong đó có HLV trưởng vốn nhận lương và các chế độ rất cao. Thành ra, cứ đội ở ranh giới nguy hiểm là người ta tính đến giải pháp thay HLV trưởng.
Huấn luyện viên Đặng Trần Chỉnh đã bị B.Bình Dương sa thải. |
Trước vòng 10, HLV Trần Minh Chiến đã đăng đàn trên trang cá nhân một thông điệp ấm ức: “Em xin phép mấy Anh không phải ban huấn luyện thì đừng xen vào chuyên môn của em nữa. Em mệt mỏi với mấy Anh lắm rồi!”.
CLB TP. Hồ Chí Minh do HLV Trần Minh Chiến dẫn dắt quá bê bết ở nhóm ứng viên rớt hạng, 4 trận liền không thắng. Ông Chiến đã viết đơn xin từ chức nhưng không được chấp nhận. Rất may, vòng 10 vừa qua TP. Hồ Chí Minh đã có trận thắng quan trọng trước Hải Phòng trên sân Thống Nhất, nếu thua thì gần như ông Chiến sẽ “gãy ghế”. Kể cả 3 điểm vừa đạt được vẫn chưa đảm bảo HLV này sẽ an toàn bởi bản chất đội bóng đã quá nhiều vấn đề.
Tương tự là HLV Phùng Thanh Phương của CLB Sài Gòn. Phải đến vòng 10 thì HLV này cùng học trò mới có chiến thắng đầu tiên, trước Hà Tĩnh. Dù thế, Sài Gòn đang chôn chân ở đáy bảng, nên đã phải tức tốc mời HLV Lê Huỳnh Đức về làm Giám đốc kỹ thuật. Đây có thể coi là bước chuẩn bị cho tương lai, đề phòng HLV Phùng Thanh Phương không có dấu hiệu chuyển mình.
Trở lại câu chuyện HLV đầu tiên phải rời ghế là Trương Việt Hoàng. Sau vòng 7, Viettel đã điều chuyển Hoàng về đội trẻ, nhường ghế cho ông thầy Hàn Quốc là Bae Ji-won. Tuy nhiên, nhà vô địch V-League 2020 đang sa sút nên không loại trừ khả năng đến một ngày Viettel lại phải cậy nhờ trở lại công thần Trương Việt Hoàng. Đây là HLV đã từng đưa Viettel vô địch hạng Nhất 2018, V-League 2020, được nhiều cầu thủ Viettel mến trọng. Vị trí của HLV Petrovic của Thanh Hóa hay Văn Sỹ (Nam Định) cũng chưa thể yên, nếu tiếp tục để thành tích vượt tầm kiểm soát.
Hiện nay, xu hướng dùng HLV ngoại vẫn còn hạn chế, chỉ 4 đội là Hoàng Anh Gia Lai, Hà Nội, Viettel, Thanh Hóa. Còn lại, đa số đều sử dụng các HLV trong nước, trẻ nhất là Huy Hoàng (Sông Lam Nghệ An). Cung không đủ cầu nên HLV nội đều không sợ mất việc lâu dài, bởi các CLB rồi sẽ sử dụng đến. Ở Bình Dương, đã nhiều lần HLV Đặng Trần Chỉnh, Lư Đình Tuấn đến rồi đi. Những thuyền trưởng đầy thành tích như Chu Đình Nghiêm, Phan Thanh Hùng, Lê Huỳnh Đức rồi cũng không gắn bó mãi với một CLB.
Với HLV các đội bóng châu Âu, năng lực ra sao đều phơi bày tương đối rõ nét. Còn HLV ta, thành bại cơ bản nhờ ông chủ có chịu vung tiền hay không: tiền lót tay, lương, thưởng; tiền mua cầu thủ giỏi. Nhiều người nói đùa, người có quyền nhất và giỏi chuyên môn nhất ở các đội bóng là… ông bầu bóng đá.
Phong Uyên
Ý kiến bạn đọc