Đại hội Thể dục thể thao tỉnh lần thứ IX, năm 2021 - 2022: Cuộc đua tranh hào hứng
Là ngày hội tranh tài lớn nhất của các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh, định kỳ 4 năm tổ chức 1 lần, Đại hội Thể dục thể thao (TDTT) tỉnh lần thứ IX, năm 2021 - 2022 thật sự là sân chơi ý nghĩa, bổ ích, giúp các địa phương rà soát, đánh giá phong trào tập luyện TDTT trên địa bàn, qua đó định hướng duy trì, phát triển các bộ môn thế mạnh, mũi nhọn…
Đại hội TDTT tỉnh lần thứ IX, năm 2021 - 2022 diễn ra trong bối cảnh khá đặc biệt, sau khi dịch bệnh COVID-19 cơ bản được khống chế. Để vừa đảm bảo chất lượng chuyên môn, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, Ban tổ chức bố trí đại hội theo 2 giai đoạn, giai đoạn 1 thi đấu từ cuối năm 2021 đến tháng cuối tháng 7/2022, với các môn: karatedo, võ cổ truyền, futsal nam, taekwondo, billiards, bóng bàn, bóng chuyền, cầu lông và bóng đá nam. Những bộ môn được đưa về các địa phương như: futsal nam diễn ra ở huyện Krông Ana; môn karate tổ chức tại huyện Ea H’leo, môn taekwondo tranh tài ở huyện Ea Kar…
Vận động viên thi đấu môn đẩy gậy. |
Qua theo dõi, đánh giá, chất lượng chuyên môn của các môn tại giai đoạn 1 khá cao. Với mục đích, ý nghĩa quan trọng của đại hội, tất cả các địa phương tham dự đều đã tổ chức đại hội cấp cơ sở theo đúng tinh thần của Ban Chỉ đạo Đại hội quán triệt, tuyển chọn lực lượng vận động viên, xác định thế mạnh các môn, thành lập đội tuyển, tổ chức tập luyện nghiêm túc, hướng đến mục tiêu đoạt kết quả tốt nhất. Trong đó phải kể đến TP. Buôn Ma Thuột, sau khi ở Đại hội TDTT lần thứ VIII bị thị xã Buôn Hồ vượt qua, xếp vị trí thứ Nhất toàn đoàn thì năm nay huy động lực lượng hùng hậu, tham gia tất cả 9 môn thi đấu, quyết tâm giành lại vị thế số 1. Trong giai đoạn 1, có những môn như: cầu lông, karate, taekwondo trở thành “sàn đấu” nội bộ của các vận động viên TP. Buôn Ma Thuột, góp công đem về cho thành phố 522 điểm để xếp thứ Nhất toàn đoàn.
Ở giai đoạn chính thức của đại hội, diễn ra từ ngày 14 đến 17/9 tại TP. Buôn Ma Thuột, có hơn 1.300 vận động viên của 15 huyện, thị xã, thành phố và các ngành công an, quân đội, giáo dục và đào tạo tranh tài ở các môn: việt dã, vovinam, bơi, điền kinh, bắn nỏ - bắn ná, đẩy gậy và kéo co. Ở giai đoạn quyết định cho thứ hạng chung cuộc này, các địa phương cạnh tranh quyết liệt, dồn toàn lực cho các môn thế mạnh của mình. Đơn cử như huyện Krông Năng huy động 64 vận động viên, tập trung vào 2 môn điền kinh và việt dã. Huyện Ea H’leo đặt mục tiêu lần đầu tiên lọt vào tốp 3 nên huy động những vận động viên nổi trội nhằm độc chiếm môn kéo co; còn huyện Krông Búk tiếp tục đầu tư cho môn đẩy gậy, với quyết tâm giúp địa phương lọt vào danh sách tốp 10… Với các địa phương mà các môn thế mạnh của mình đã diễn ra ở giai đoạn 1, biết khả năng khó có thể cạnh tranh ở giai đoạn chính thức, trong điều kiện kinh phí eo hẹp như huyện Lắk, Cư Kuin, M’Drắk chỉ đưa lực lượng khá khiêm tốn, từ 14 - 40 vận động viên đến tranh tài, với mục tiêu cọ xát, giao lưu, học hỏi là chính.
Kéo co là môn thi đấu hấp dẫn, sôi nổi nhất đại hội. |
Trong thời gian 4 ngày chính thức đại hội diễn ra, không khí tranh tài tại các địa điểm tổ chức các môn hết sức sôi nổi, hào hứng, đặc biệt là môn đẩy gậy. Ở nội dung này, một lần nữa huyện Krông Búk khẳng định vị thế số 1 khi đoạt đến 13 huy chương trên tổng số 23 bộ huy chương ở các hạng cân, giúp Krông Búk đoạt đến 118 điểm và cán đích ở vị trí thứ 8 chung cuộc. Còn huyện Ea H’leo thì hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu, đạt 140 điểm ở môn kéo co, góp phần quan trọng giúp Ea H’leo lần đầu tiên giành vị trí á quân. Riêng với TP. Buôn Ma Thuột, vị trí thứ Nhất toàn đoàn được lập lại sau một kỳ đại hội bị đánh mất vào tay thị xã Buôn Hồ, để tiếp tục chứng tỏ, khẳng định thế mạnh của mình.
Kết thúc đại hội, Ban tổ chức đã xác định được những nhà vô địch, những gương mặt xuất sắc nhất được tuyển chọn để thành lập các đội tuyển, chuẩn bị tranh tài tại Đại hội Thể thao toàn quốc sẽ diễn ra vào tháng 12 tại Quảng Ninh, với mục tiêu giúp Đắk Lắk tiếp tục duy trì, khẳng định vị trí số 1 ở khu vực Tây Nguyên.
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc