Mở rộng cửa cho cầu thủ Việt kiều!
Một tin rất vui cho các cầu thủ gốc Việt trên khắp thế giới: Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã quyết định từ mùa giải 2023, mỗi CLB chơi ở giải chuyên nghiệp, vô địch quốc gia nữ, futsal được phép đăng ký 1 cầu thủ Việt kiều. Nếu khai thác được nguồn lực này, chắc chắn bóng đá Việt Nam sẽ được tiếp thêm sức mạnh.
1. Người hâm mô bóng đá chắc hẳn chưa quên hình ảnh thủ môn Việt kiều Đặng Văn Lâm thuở mới “chân ướt chân ráo” từ Nga về Việt Nam thi đấu. Nhiều khán giả cũng còn nhớ cảm giác thích thú khi xem trận giao hữu giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Afghanistan tối 1/6/2022 bởi có sự xuất hiện của một nhân vật khá mới mẻ: cầu thủ Việt kiều Adriano Schmidt (tên Việt Nam là Bùi Đức Duy, SN 1994). Tuy nhiên nếu theo dõi sát sao làng bóng đá, có lẽ ai cũng biết Schmidt đã phải chờ đợi suốt một thời gian dài, cụ thể là 5 năm mới có cơ hội khoác áo đội tuyển quốc gia như hiện tại. Chàng cầu thủ Việt kiều ở Đức này đã trải qua quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ ở các câu lạc bộ (CLB) Hải Phòng, Quảng Ninh, Quảng Nam, Topenland Bình Định. Sự nỗ lực cũng như tiến bộ của Adriano Schmidt đã được huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo ghi nhận, triệu tập lên tuyển Việt Nam ở 2 trận cuối vòng loại thứ ba World Cup 2022 hồi tháng 3/2022.
Bóng đá Việt Nam cần thêm nhiều gương mặt như Đặng Văn Lâm (bìa trái). |
Đã có không ít cầu thủ Việt kiều về nước chơi bóng nhưng để có được một chỗ đứng ở CLB họ phải thực sự xuất sắc. Bởi, quy định cầu thủ Việt kiều chỉ được tính là một ngoại binh. Do đó, các CLB đều ưu tiên lấy cầu thủ ngoại, tầm quan trọng vô cùng lớn trong hệ thống chiến thuật. Có được vị trí ở CLB đã khó, đường đến đội tuyển càng gian nan hơn. Trong khu vực Đông Nam Á, chúng ta vẫn còn rất dè dặt trong việc sử dụng cầu thủ gốc Việt ở các đội tuyển quốc gia. Ngay cả Lee Nguyễn thời đỉnh cao phong độ cũng không lọt vào mắt xanh ông Park. Các cầu thủ ngoại nhập tịch Việt Nam càng không nằm trong chính sách gọi lên tuyển, bởi VFF luôn coi trọng tính bản sắc. Đấy là lý do chính chưa hấp dẫn được các Việt kiều đẳng cấp “hồi cố hương”. 22 năm phát triển bóng đá chuyên nghiệp, chỉ có thể kể ra hai gương mặt gốc Việt thành công là Đặng Văn Lâm và Mạc Hồng Quân.
2. Từ chính sách thu hút nhân tài bóng đá Việt ở nước ngoài của VFF, thời gian tới, chắc chắn các CLB sẽ quan tâm tới nguồn lực này. Mặt khác, những cầu thủ Việt kiều có đẳng cấp thực sự cũng có thể an tâm về nước khi thu nhập ở V.League hiện nay (lương, thưởng, phí chuyển nhượng) đã rất cao.
Khi lượng cầu thủ gốc Việt rải đều khắp các CLB, lại có chất lượng và được đào tạo ở môi trường bóng đá tính chuyên nghiệp cao, chắc chắn sẽ góp phần nâng tầm V.League, tạo hấp lực để kéo khán giả lẫn nhà tài trợ ủng hộ. Từ đó, sẽ giúp đội tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam có nhiều điều kiện để bổ sung lực lượng có chiều sâu.
Với bóng đá nữ và futsal, nhiều nước trong khu vực đã cho phép cầu thủ nhập tịch ồ ạt giúp trình độ bật lên rõ rệt. Tại AFF Cup nữ 2022, thầy trò HLV Mai Đức Chung đã không bảo vệ được cúp vàng, dù vừa vô địch SEA Games 31. Trong trận bán kết, các cô gái “vàng” của chúng ta bị dàn cầu thủ nhập tịch cao to của Philippines đè bẹp về mặt thể lực, bất lực trong các pha tranh chấp bóng dẫn đến thua 4 bàn không gỡ. Tương tự là đội tuyển nam futsal, hai lần tham dự World Cup nhưng vẫn thua Thái Lan ở SEA Games 31. Vừa qua, các “chiến binh sao vàng” tiếp tục trình diễn bộ mặt thất vọng ở Vòng chung kết futsal châu Á. Nói thế để thấy rằng, một khi các đội tuyển bóng đá Việt Nam tận dụng được nguồn lực cầu thủ gốc Việt khắp thế giới, sức mạnh sẽ nhân lên bội phần. Bởi, người Việt ở nước ngoài tài năng không thiếu, lĩnh vực bóng đá không là ngoại lệ.
Ở các lĩnh vực, việc khai thác nguồn lực từ kiều bào luôn là chính sách được coi trọng. Giấc mộng đưa bóng đá Việt Nam vượt giới hạn, nằm trong top 10 châu Á, sớm giành vé dự World Cup rất cần sự chung tay của các cầu thủ gốc Việt trên thế giới. Hãy dang tay chào đón những người con gốc Việt trở về cống hiến cho nền bóng đá quê hương.
Phong Uyên
Ý kiến bạn đọc