Multimedia Đọc Báo in

Không còn chỗ cho “cổ tích”

08:26, 07/12/2022

Bản đồ bóng đá thế giới dù có điểm xuyết một số bất ngờ nhưng đến vòng 1/8, trật tự đã được thiết lập. Không còn chỗ cho những “ngựa ô”, thay vào đó các đế chế định vị lại sức mạnh truyền thống.\

Tạm biệt những “kỳ tích châu Á”!

Tham dự World Cup năm nay, bóng đá châu Á có mặt 6 đội và lập kỳ tích chưa từng có trong lịch sử 92 năm của World Cup khi có tới 3 đội bóng lọt vào vòng 16 đội mạnh nhất.

Đã có những bất ngờ xảy ra như việc Nhật Bản hạ gục hai anh hào là Đức, Tây Ban Nha. Hàn Quốc thắng Bồ Đào Nha, Saudia Arabia hạ đo ván Argentina… Dù thế, điềm tĩnh nhìn lại chiến thắng lẫy lừng của các đại diện châu Á ở vòng bảng có sự “tiếp tay” của nhiều đội bóng lớn, khi đã đạt mục tiêu vào vòng trong, họ tính toán để tránh đối thủ mạnh. Điển hình như Brazil, sử dụng đội hình 2 và để thua Cameroon. Nhưng, điều quan trọng nhất là họ đã đạt được mục đích theo kiểu “có thua một trận nhưng thắng cả cuộc chiến”. Bóng đá hiện đại coi trọng tính tập thể, thực dụng, kể cả việc chấp nhận thua trận bị chỉ trích để bảo toàn lực lượng và đạt mục đích cuối cùng. Đấy là lý do chúng ta thấy lần đầu tiên kể từ khi Cúp thế giới được nâng số đội lên thành 32, vòng bảng kết thúc mà không có đội nào duy trì được thành tích toàn thắng.

Diện mạo bóng đá châu Á đã hiện lên một cách trung thực nhất qua thất bại của Nhật Bản trước Croatia và Hàn Quốc trước Brazil. Croatia dù là đương kim Á quân World Cup 2018 nhưng năm nay họ không mạnh. “Samurai xanh” đã ghi được bàn thắng trước, ai cũng hy vọng Nhật Bản tiếp tục gây bất ngờ. Tuy nhiên, sang hiệp hai, bản lĩnh cùng kinh nghiệm của đội bóng đến từ khu vực đỉnh cao đã giúp Croatia gỡ hòa, chơi trên chân. Nhật Bản cầm cự được đến loạt luân lưu 11 m đã là thành công lớn. Và rồi, lúc này chúng ta mới chứng kiến sự non nớt của các “Samurai xanh”. Họ không còn là mình để rồi nhiều cầu thủ tim đập, chân run, đá hỏng đến 3 quả luân lưu.

Hàn Quốc thì càng tệ hơn, hiệp 1 đã để thủng lưới đến 4 bàn. Có cảm giác như các “Vũ công Samba” đã không còn hứng thú ghi bàn thêm, thậm chí Brazil còn “mở cửa” để Hàn Quốc ghi được 1 bàn danh dự.

Rõ ràng, trình độ của các đội bóng châu Á, dù đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn khoảng cách rất xa so với nhóm đầu. Hạn chế không chỉ là thể hình, mà còn là trình độ, tư duy chơi bóng bộc lộ nhiều khiếm khuyết.

Brazil đã thể hiện sức mạnh sau chiến thắng 4-1 trước Hàn Quốc. Ảnh: Internet

Công thức chung cho nhà vô địch

Nhìn lại các kỳ World Cup kể từ khi bước sang thế kỷ 21, có thể đưa ra công thức chung cho các nhà vô địch: Hệ thống chiến thuật vận hành nhờ sức mạnh của tập thể. Tất nhiên, kết tinh nên nền tảng đó chính là các ngôi sao hàng đầu thế giới và đạt đỉnh cao phong độ đúng thời điểm.

Đó là Brazil năm 2002 với thế hệ của những Cafu, Roberto Carlos, Ronaldinho, Rivaldo, Ronaldo... Là Italia của năm 2006 với hình ảnh của một khối thống nhất không thể bị phá vỡ. Là Tây Ban Nha năm 2010 với nhân sự cốt lõi của câu lạc bộ Barcelona. Là tuyển Đức lì lợm, hiệu quả năm 2014 và chính đội tuyển Pháp hết sức ăn ý và độc đáo năm 2018.

Nếu theo tiêu chí này, những ứng viên như Hà Lan, Argentina và Croatia khó đạt được. Argentina sẽ gặp khó nếu đối thủ phong tỏa được Lionel Messi; còn Hà Lan không có những ngôi sao nổi bật để quyết định các trận đấu khó khăn. Và thực tế là Argentina và Hà Lan sẽ phải loại nhau ở tứ kết. Croatia cũng khó tránh được thảm bại trước Brazil ở trận tứ kết sắp tới.

Như vậy, Anh, Pháp, Brazil thực sự là ba ứng viên nặng ký nhất cho chức vô địch. Đây là ba đại diện có tính tập thể và tinh thần kỷ luật cực kỳ cao. Nói chính xác, họ không có sự phụ thuộc vào bất kỳ cá nhân nào, như việc Brazil vắng Neymar vì chấn thương nhưng vẫn thể hiện được năng lực, Viviciu, Richarlison hay Raphinha quá tuyệt vời. Huấn luyện viên Tite có một hàng công giàu sức trẻ, quyết tâm và hiệu quả.

Thật đáng tiếc khi tại tứ kết, Anh và Pháp đã phải chạm trán nhau để một đội phải chia tay. Giới chuyên môn vẫn đánh giá cao Pháp hơn, cho dù đây là kỳ World Cup đội tuyển Anh vô cùng xuất sắc. Như thế, có thể định hình một trận chung kết trong mơ giữa Brazil và Pháp như năm 1998 chăng?

Phong Uyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.