Multimedia Đọc Báo in

Dư vị SEA Games 32

06:29, 21/05/2023

Diễn ra từ ngày 10 đến 17/5, SEA Games 32 đã kết thúc, để lại nhiều dư vị vui buồn lẫn lộn. Rõ ràng, để nâng tầm SEA Games, giúp thể thao Đông Nam Á vượt giới hạn, các nước trong khu vực còn nhiều việc phải làm, đặc biệt về ý thức.

Tuyệt vời Việt Nam!

Ngay cả ngày thi đấu cuối cùng, các vận động viên đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) vẫn tập trung cao độ ở những môn đấu kiếm, vật, judo, cử tạ, hay môn thể thao mới như breaking (nhảy đường phố) để củng cố vững chắc vị trí dẫn đầu trên bảng tổng sắp huy chương chung cuộc. Nhìn lại hành trình ở SEA Games 32, các tuyển thủ của chúng ta đã để lại nhiều cảm xúc đặc biệt.

Từ niềm vui vỡ òa với tấm Huy chương Vàng (HCV) đầu tiên trong lịch sử ở của đội tuyển bóng rổ nữ 3x3, đến việc đoạt lại ngôi đầu của chủ nhà Campuchia. Từ sự kiện Nguyễn Thị Oanh kiến tạo thành tích lịch sử với 4 tấm HCV ở những nội dung đầy thử thách của môn điền kinh, đến ngôi vô địch của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam.

SEA Games 32 cũng để lại ấn tượng với nhiều nhọc nhằn và chứng kiến không ít thất bại đáng tiếc của những gương mặt được kỳ vọng trong các đội tuyển như điền kinh, bơi, quần vợt, đấu kiếm hay đội tuyển U22 Việt Nam. Dù vậy, với sự bứt phá mãnh liệt, khai thác tối đa thế mạnh từ "mỏ vàng" các môn võ thuật, vật, lặn, aerobic…, trong bốn ngày thi đấu cuối cùng, đoàn TTVN đã tạo nên “cú nước rút” hoàn hảo để dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương chung cuộc với tổng số 136 HCV, 104 Huy chương Bạc, 114 Huy chương Đồng tại SEA Games 32, thành tích nằm ngoài dự báo của giới chuyên môn khi mục tiêu đặt ra chỉ là giành 89 - 120 HCV và lọt vào top 3 toàn đoàn.

Đoàn thể thao Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Thành tích vượt ngưỡng về số lượng huy chương giành được đã giúp đoàn TTVN lần đầu tiên đứng ở vị trí số 1 tại một kỳ SEA Games diễn ra ở nước ngoài. Trong lịch sử các lần dự đại hội, đoàn TTVN đã từng hai lần dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương chung cuộc tại SEA Games 22 (năm 2003) và SEA Games 31 (năm 2022) nhưng đều tổ chức trên sân nhà. Ngoài ra, đây cũng là lần đầu tiên, TTVN bảo vệ thành công vị trí dẫn đầu ở hai kỳ SEA Games liên tiếp.

Thể thao Đông Nam Á cần thay đổi

Điều lệ SEA Games đã ban hành từ những ngày đầu và trong quá trình phát triển, đến nay, chương trình thi đấu được quy định bởi ba nhóm môn đã tồn tại hàng chục năm. Nhóm 1 gồm điền kinh và bơi. Nhóm 2 gồm tối thiểu 14 môn của Olympic và ASIAD. Nhóm 3 gồm 8 môn của Đông Nam Á hoặc của quốc gia tổ chức. Riêng với các môn nhóm 3, chỉ cần 3 quốc gia tham dự là có thể tổ chức.

Quy định này là cơ sở lý giải tại sao chương trình thi đấu SEA Games luôn có sự biến động rất lớn và tùy thuộc rất nhiều vào quốc gia đăng cai tổ chức. Sự xuất hiện của các môn thể thao mới ngày một nhiều hơn với quan điểm là thúc đẩy sự phát triển. Dưới góc độ tích cực, điều này không sai nhưng cũng xuất hiện mặt trái bởi sự thiếu chặt chẽ trong điều lệ SEA Games, dẫn đến những quyết định rất ngẫu hứng về chương trình thi đấu.

Lịch sử các kỳ SEA Games cũng đã chỉ ra, rất nhiều vấn đề cần được xem xét và thống nhất về điều lệ SEA Games khi ở mỗi quốc gia đăng cai khác nhau với các quy định chuyên môn kỹ thuật khác nhau dẫn đến thành tích xếp hạng của các đoàn ở mỗi kỳ SEA Games khác nhau. Và quan trọng nhất, thành tích của mỗi đoàn thể thao giành được ở SEA Games nhiều khi không thể hiện được sự phát triển của nền thể thao quốc gia đó.

Vậy SEA Games có cần thêm môn thể thao mới hay không? Môn thể thao mới có tiêu chuẩn hay quy định cụ thể ra sao. Nhìn rộng ra thế giới, lịch sử phát triển thể thao cho thấy, ở các châu lục, các quốc gia khác nhau thì sẽ hình thành nên các môn thể thao khác nhau nhưng trên phạm vi toàn cầu, để quy tụ được số đông thì phải tính toán rất nhiều vấn đề từ tác dụng, đến truyền thống, sự quy củ và chặt chẽ về điều lệ. Để một môn được đưa vào chương trình Olympic, chưa nói đến các yếu tố khác, yêu cầu bắt buộc là môn đó phải có mặt ở 75 quốc gia ở 5 châu lục đối với nam và 45 quốc gia ở 4 châu lục đối với nữ.

Trong giai đoạn hiện nay, cả Đông Nam Á cần xem xét và xây dựng lại tiêu chuẩn hệ thống các môn thể thao ở SEA Game theo hướng chặt chẽ hơn, ổn định hơn, tạo điều kiện thuận lợi để các vận động viên, các nền thể thao nâng cao thành tích hướng ra châu lục và thế giới. Vấn đề này đã từng được đặt từ những năm 2000 trong các hội nghị của Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á nhưng sự chuyển biến chưa thực sự tích cực và TTVN cần tiếp tục lên tiếng để thúc đẩy.

Phong Uyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.