Multimedia Đọc Báo in

Trước thềm mùa giải chuyên nghiệp V.League 2023 - 2024: Kỳ vọng "bình mới, rượu mới"

07:04, 11/10/2023

Mùa giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam 2023 - 2024 sẽ khởi tranh từ ngày 20/10/2023 và kết thúc vào tháng 7/2024. Đây cũng là mùa giải đầu tiên thi đấu vắt qua hai năm như quốc tế, hứa hẹn năm bản lề cho sự tươi mới của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.

Tăng tiền thưởng và năng lực điều hành

Mùa giải 2023 khép lại với chức vô địch thuộc về Công An Hà Nội (CAHN). Như vậy, V.League 3 mùa gần nhất được chứng kiến 3 nhà vô địch khác nhau là Viettel (năm 2020), Hà Nội FC (năm 2022) và CAHN (năm 2023). CAHN tạo ra một trang mới và là đội thứ hai vô địch ngay mùa đầu thi đấu ở V.League (Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) năm 2003). Điểm chung của 3 mùa gần nhất khi xác định nhà vô địch đều phải chờ đến vòng đấu cuối cùng tạo nên diễn biến rất mới lạ, hấp dẫn. Đấy là chỉ dấu của sự cạnh tranh công bằng tương đối, khi nhiều năm chức vô địch chỉ "quẩn quanh" vài đội bóng.

Ban tổ chức đã có những thay đổi lớn trong việc vận hành các giải đấu nhằm quyết tâm tạo ra "rượu mới". Đây là mùa giải đầu tiên áp dụng khung thời gian tổ chức theo hệ thống thi đấu quốc tế đối với cấp câu lạc bộ (CLB), tức là bắt đầu từ mùa thu của năm trước và kết thúc vào mùa hè của năm sau - khung thời gian thi đấu đồng bộ với các quốc gia châu Á và châu  Âu.

V.League 2023 - 2024 có sự tham dự của 14 CLB chuyên nghiệp gồm: B.Bình Dương, CAHN, Thanh Hóa, Hà Nội FC, Hải Phòng, HAGL, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Nam Định, Quảng Nam, Sông Lam Nghệ An, Bình Định, TP. Hồ Chí Minh và Viettel. Thay vì thi đấu hết lượt đi phân nhóm tranh vô địch và đua trụ hạng, V.League 2023 - 2024 đều áp dụng phương thức thi đấu vòng tròn hai lượt (sân nhà – sân đối phương) tính điểm xếp hạng.

Giải thưởng của V.League 2023 - 2024 tăng so với mùa giải 2023 với tổng giá trị giải thưởng là 9,5 tỷ đồng. Theo đó, ba đội dẫn đầu V.League 2023 - 2024 sẽ nhận giải thưởng như sau: Đội vô địch nhận thưởng 5 tỷ đồng; đội giành giải Nhì nhận được 3 tỷ đồng và đội đoạt giải Ba nhận thưởng 1,5 tỷ đồng.

Trận tranh siêu cúp giữa Công An Hà Nội và Thanh Hóa được sử dụng công nghệ VAR.

Yên tâm hơn khi VAR vào cuộc

Ở mùa giải 2023, yếu tố nổi bật và cần được nhắc đến khi tạo sự thành công là việc hệ thống hỗ trợ trọng tài bằng video (VAR) được đưa vào sử dụng. Dưới sự giám sát của Liên đoàn Bóng đá thế giới, tất cả những trận đấu có sự xuất hiện của VAR đều diễn ra an toàn, bảo đảm về kỹ thuật công nghệ. Dù chỉ áp dụng trong 3 trận đấu cuối cùng của mùa giải nhưng phần nào mở ra điều mới cho bóng đá Việt Nam trong tương lai.

Hiện nay, tất cả các sân vận động của các đội bóng tham dự V.League đều đủ điều kiện áp dụng công nghệ VAR. Tuy nhiên, mới chỉ có 2 xe VAR lưu động, vẫn đang chờ thêm 2 xe theo chương trình hỗ trợ do FIFA phê duyệt. Ở mùa giải tới, sẽ có tối đa 4 trận đấu ở mỗi vòng được áp dụng VAR. Thực tế, VAR giúp ích rất nhiều để cải thiện công tác trọng tài và tăng tính minh bạch cho các trận đấu. Đặc biệt không còn tình trạng tranh cãi sau mỗi trận đấu về quyết định của "vua sân cỏ".

Tuy nhiên, việc chưa thể áp dụng VAR ở 100% các trận đấu là điều đáng tiếc khi hiện tại Việt Nam nhiều nhất chỉ có số lượng 4 xe VAR lưu động. Bên cạnh đó, việc áp dụng VAR cần phải được FIFA cấp phép. Các sân đấu muốn sử dụng VAR phải đáp ứng tiêu chí khắt khe của FIFA.

"Hiện FIFA mới cấp phép VAR xuất hiện tại V.League nên chưa thể áp dụng tại hạng Nhất, Cup Quốc gia. VPF mới có 2 xe VAR và đang làm việc với FIFA để đưa thêm 2 xe VAR vào vận hành, tiến tới cố gắng áp dụng công nghệ này tại 7/7 trận đấu mỗi vòng V.League và cho cả hạng Nhất, Cup Quốc gia", ông Nguyễn Minh Ngọc, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam cho biết.

Mùa giải mới đã cận kề, các đội cơ bản đã định hình lực lượng ban huấn luyện cũng như cầu thủ. Hy vọng khán giả sẽ được chứng kiến bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam thay đổi về chất cả "bình" lẫn "rượu".

Phong Uyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.