Multimedia Đọc Báo in

Sứ mệnh của U23 Việt Nam

07:17, 24/03/2024

Trong khi đội tuyển Việt Nam đang gánh vác trọng trách chinh phục giấc mơ World Cup thì U23 Việt Nam cũng hướng đến tấm vé dự Olympic Paris 2024. Hơn cả thế, tương lai của  bóng đá Việt Nam đang trên vai lực lượng này.

Song, những gì đang diễn ra với U23 Việt Nam cho thấy mọi việc không dễ dàng chút nào. Cụ thể, U23 đã thất bại nặng nề tại SEA Games 32 và ASIAD 19.

 Những ngày này, các cầu thủ trẻ đang có mặt tại Tajikistan. Đây là chuyến tập huấn và thi đấu giao hữu nhằm chuẩn bị cho Vòng chung kết U23 châu Á 2024 sẽ diễn ra tại Qatar vào tháng 4 tới. Đây là lần thứ 5 liên tiếp bóng đá trẻ Việt Nam góp mặt tại Vòng chung kết U23 châu Á. Giấc mơ chinh phục đấu trường Olympic 2024 của U23 Việt Nam sẽ bắt đầu với các đối thủ Uzbekistan, Kuwait và Malaysia. So với các lần trước đây, bảng đấu của thầy trò Huấn luyện viên (HLV) Philippe Troussier hiện tại được đánh giá vừa sức. Đó là bảng đấu cân bằng, thuận lợi để U23 Việt Nam đặt chỉ tiêu điểm số cho từng trận một, vượt qua vòng bảng và tiến sâu nhất có thể. Trong lần tập trung này, rất nhiều gương mặt tân binh, thậm chí còn tương đối xa lạ với người hâm mộ đã được HLV Philippe Troussier triệu tập, bên cạnh các nhân tố đã đồng hành cùng ông xuyên suốt trong một năm qua. HLV Troussier khiến giới mộ điệu vừa phấn khích, vừa e ngại khi đặt mục tiêu đưa U23 Việt Nam đến Olympic Paris 2024.

Nhìn nhận sẽ thấy, mục tiêu của HLV Troussier không phải không có cơ sở. Nhớ lại, khi lứa Quang Hải, Công Phượng, Bùi Tiến Dũng, Duy Mạnh gây ấn tượng mạnh mẽ với thành tích về Nhì tại Thường Châu 2018, chúng ta mong đây là vòng loại Olympic. Bởi như thế, giấc mơ góp mặt ở Thế vận hội đã trở thành hiện thực. Giải đấu năm đó, U23 Việt Nam đã trải qua hành trình cực ấn tượng. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng chính vì đó không phải vòng loại Olympic, nên những ứng viên vô địch không cử đội hình mạnh nhất. U23 Nhật Bản là một minh chứng khi họ chỉ cử lứa tuổi U21 tham dự.

Khuất Văn Khang (bìa phải) đang là cầu thủ nổi bật ở đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam.

Năm 2020, đội tuyển U23 Việt Nam đến Thái Lan với vị thế đương kim Á quân. Đội hình khi ấy cũng rất mạnh với một loạt cá nhân xuất sắc như: Quang Hải, Đình Trọng, Hoàng Đức, Tiến Linh, nhưng rồi đã ra về với vỏn vẹn 2 điểm sau ba trận, xếp cuối bảng D. Phong độ sa sút là một phần lý do, phần còn lại là khách quan, khi đối thủ quyết tâm hơn, tập trung hơn, và cũng huy động lực lượng mạnh hơn, vì giấc mơ Olympic.

Năm ấy, ngay cả đương kim vô địch U23 Uzbekistan cũng lỡ hẹn với tấm vé Olympic vì thua U23 Australia ở trận tranh giải ba. Nhìn những giải đấu đã qua để thấy rằng những thử thách thật sự của đội tuyển U23 Việt Nam chỉ xuất hiện sau khi chúng ta vượt qua vòng loại U23 châu Á, bước vào vòng chung kết năm nay. Ở đó, 16 đội bóng sẽ mang đến đội hình mạnh nhất có thể tranh 3,5 vé đến Olympic Paris.

Đó chính là lúc bản lĩnh của ông Troussier cùng các học trò bị thử thách khắc nghiệt nhất. Các cầu thủ U23 Việt Nam hiện nay đã đồng hành cùng đội tuyển Việt Nam suốt một năm qua, tích lũy kinh nghiệm ở rất nhiều giải đấu khác nhau, cả ở cấp độ đội tuyển quốc gia và đội trẻ. Một số cá nhân được sử dụng tại ba trận đấu vòng loại thứ hai World Cup vừa qua, với độ khó và áp lực cao.

Nhờ sự chuẩn bị và tích lũy liên tục như vậy, hy vọng các cầu thủ đang sở hữu sự tự tin và nền tảng nhất định để sẵn sàng đương đầu với thử thách sắp đến. Tuy nhiên, sự khắc nghiệt của sân chơi châu lục cũng như thất bại tại SEA Games 32 hay lứa U23 này thi đấu chưa được như ý tại vòng loại, buộc nhà cầm quân người Pháp phải tìm những nhân tố mới kích hoạt, nâng tầm người cũ để có thể cho ra một đội hình cứng cáp. Bóng đá trẻ thường bất ổn về mặt phong độ thì sự chuẩn bị càng phải kỹ lưỡng hơn cho mục tiêu rất cao được đặt ra.

 Tựu trung, U23 Việt Nam hoàn toàn đủ sức vượt qua vòng bảng ở vòng chung kết U23 năm nay. Nếu may mắn, chúng ta có thể gặp một đối thủ vừa sức ở tứ kết. Khi đó, giấc mơ đến với Olympic Paris sẽ càng rõ ràng hơn.

   Phong Uyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.