Multimedia Đọc Báo in

Định hướng phát triển của thể thao Việt Nam: Nhìn từ “hội nghị Diên Hồng”

08:46, 28/11/2024

Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được xem như một “hội nghị Diên Hồng” nhằm tìm ra giải pháp và định hướng đúng cho thể thao Việt Nam (TTVN) hướng ra các đấu trường lớn, cụ thể là ASIAD và Olympic.

Cần “cách mạng” cả tư duy lẫn hành động

Thực ra, đã có rất nhiều “hội nghị Diên Hồng” trong địa hạt thể thao từng được tổ chức, quy tụ nhiều chuyên gia đầu ngành. Dù thế, từ hội nghị bước ra thực tiễn vẫn là khoảng cách rất xa, giữa lý thuyết, phương hướng, kế hoạch đến thực tế triển khai là hành trình dài.

Ngoài việc có chiến lược tốt thì thực hiện đúng chiến lược là điều không hề dễ dàng. Đề ra đường hướng đúng chưa đủ, quan trọng là thực hiện đường hướng đó thế nào để đạt được hiệu quả cao nhất.

Lâu nay, TTVN luôn lấy SEA Games làm “bàn đạp” để nâng tầm, tiệm cận, tiến xa lên đấu trường ASIAD, Olympic. TTVN có 2 kỳ SEA Games 31 và 32 thành công khi đứng đầu bảng tổng sắp huy chương. Tuy nhiên, về chuyên môn, những tấm Huy chương Vàng tại SEA Games còn khoảng cách xa so với ASIAD nên thách thức đối với các vận động viên (VĐV) Việt Nam tại các kỳ đại hội thể thao châu lục không hề nhỏ.

ASIAD là đấu trường lớn, cạnh tranh khốc liệt, khác hẳn với SEA Games. Những VĐV hàng đầu châu lục cũng đồng thời là những nhà vô địch thế giới, Olympic. Đây cũng là nơi mà các VĐV đẳng cấp thuộc các cường quốc thể thao của châu lục tranh tài quyết liệt.

Tay vợt cầu lông Nguyễn Thùy Linh, vận động viên hiếm hoi của thể thao Việt Nam tiệm cận đẳng cấp quốc tế.

Tuy vậy, điều cốt lõi nhất, quan trọng nhất với TTVN là ý thức, tư duy vượt tầm khu vực. Chúng ta phải xem ASIAD cũng chính là “tiểu Olympic”. Ở đấu trường này có sự tham gia của nhiều nền thể thao mạnh, đặc biệt là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các quốc gia Trung Á, Tây Á đều rất giỏi.

Phải thấy ASIAD như một “ngọn núi” để có thể tranh chấp huy chương với bạn bè. Ý thức này không chỉ ở những nhà lãnh đạo, quản lý, còn phải được truyền đến các huấn luyện viên, VĐV.

Mỗi tấm huy chương mà các VĐV giành được đều quý giá nhưng thực tế cho thấy TTVN cần coi trọng và tập trung cho các môn thể thao Olympic và ASIAD. Bởi nếu chạy theo những môn thể thao chỉ xuất hiện một lần ở SEA Games, đó sẽ là sự lệ thuộc vào mặt trái của sân chơi này.

 

Thời gian qua, chúng ta đầu tư dàn trải, không bài bản, thiếu tầm nhìn dài hạn và chỉ theo đuổi mục tiêu trước mắt. Trong khi đó, thế giới đang bước vào thời đại mới, rất nhiều quốc gia dùng thể thao để nâng cao tầm ảnh hưởng quốc tế, gây dựng nền ngoại giao thể thao, biến thể thao thành một thứ “quyền lực mềm”. Ðã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận thẳng thắn về thực trạng nền TTVN, tập hợp những người tâm huyết để cùng xốc lại bộ máy, đưa ra các giải pháp thiết thực để thể thao phát triển.

Tạo những “quả đấm thép” từ các môn Olympic

Khi nhìn lại thành tích từ những kỳ SEA Games, ASIAD cho đến Olympic gần đây, đã đến lúc TTVN nói lời “chào tạm biệt” với tư duy, chiến lược “đi tắt đón đầu” trước đây. Lúc này, ngành thể thao chắc đang thấm thía lời ví von của dư luận sẵn sàng đánh đổi hàng trăm huy chương SEA Games để lấy vài huy chương ASIAD hay Olympic.

Nếu mục tiêu cho ASIAD là khả thi thì Olympic là một đấu trường cực kỳ khắc nghiệt. Bằng chứng là tại Olympic Paris 2024 khi TTVN tay trắng thì vị trí cuối cùng trong top 50 của bảng xếp hạng huy chương chung cuộc là đoàn thể thao Bồ Đào Nha đã giành 1 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng.

Cũng cần nói thêm rằng, nếu tính từ ngày trở lại tham gia Thế vận hội mùa hè năm 1980 tại Liên Xô (cũ) đến nay, qua 11 kỳ đại hội, TTVN mới chỉ giành được 1 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng; thành tích tốt nhất là tại Olympic Rio de Janeiro 2016, nam xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã giành 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc.

Đến đây sẽ thấy, TTVN chưa được chuẩn bị tốt khi tham gia đấu trường Olympic. Cần nhớ rằng, để có được một tấm huy chương Olympic đòi hỏi quá trình bền bỉ và tốn kém.

Như xạ thủ Hoàng Xuân Vinh lúc giành Huy chương Vàng năm 2016 đã có đến 23 năm cầm súng. Trước đó nữa, VĐV cử tạ Hoàng Anh Tuấn phải mất 15 năm tập luyện thi đấu mới giành được Huy chương Bạc. Các VĐV khác giành huy chương trước đó cũng thế.

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, người từng giành Huy chương Vàng Olympic cho thể thao Việt Nam. Ảnh: Internet

TTVN trắng tay ở 2 kỳ Olympic 2020 và 2024 nhưng điều đáng lo hơn cả là sự sa sút về khả năng cạnh tranh ở các môn thế mạnh hoặc đã trở thành mũi nhọn giành được thành tích tốt như bắn súng, cử tạ và taekwondo. Đó là sự nhắc nhở để chúng ta biết rằng mình thực sự đang đứng ở đâu trên bản đồ thể thao thế giới và để hy vọng làm nên chuyện gì đó trong các kỳ Olympic tiếp theo, chúng ta cần đầu tư như thế nào cho các VĐV.

Đầu tư nhiều, đầu tư sớm và có bài bản là tốt nhưng chưa đủ. Điều quan trọng không kém là chúng ta cần định hướng đầu tư vào đâu giữa hàng loạt các môn thể thao thi đấu ở Olympic, cần xác định chính xác đâu là những niềm hy vọng thực sự để tranh chấp huy chương.

Vì thế, khi Chiến lược phát triển thể thao nước nhà đã được phê duyệt thì việc cần làm tiếp theo chính là tập trung toàn lực để triển khai, thực thi một cách hiệu quả nhất.

Đông Nghi


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nóng tình trạng kích giun đất ở Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ea Sô
Trong hai năm qua, tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ea Sô thường xuyên bị các đối tượng lén lút vào rừng dùng kích điện để bắt giun đất trái phép gây ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái cũng như công tác quản lý bảo vệ rừng nơi đây. ​​​​​​​