Xây dựng phương án dạy và học phù hợp trong điều kiện dịch bệnh
Chiều 13-9, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp trực tuyến cấp tỉnh về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phương án giảng dạy, học tập trong điều kiện dịch bệnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh H’Yim Kđoh chủ trì cuộc họp.
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Sở Y tế cho biết, hiện tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4 đến ngày 13-9, tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 1.437 trường hợp mắc COVID-19, trong đó đang điều trị 809 trường hợp, 11 trường hợp tử vong, có 617 trường hợp đã khỏi bệnh và xuất viện.
Đại biểu tham dự tại điểm cầu UBND tỉnh. Ảnh: Hoàng Gia. |
Hiện nay, toàn tỉnh đang tổ chức cách ly tập trung cho 1.122 trường hợp, cách ly tại nhà cho 6.442 trường hợp; có 5 cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 với công suất 1.720 giường bệnh. Toàn tỉnh đã tiêm 149.737 liều vắc xin; trong đó tiêm mũi 1 là 97.204 liều (đạt 7,12%), tiêm mũi 2 là 52.660 liều (đạt 3,86%).
Thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện quyết liệt phương châm lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ” trong phòng chống dịch; tiếp tục thực hiện nghiêm, thực chất việc giãn cách xã hội, triệt để khắc phục tình trạng “chặt ngoài, lỏng trong”; đồng thời đảm bảo an sinh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Để đáp ứng với diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại địa phương, Đắk Lắk đã thành lập Trung tâm Chỉ huy phòng chống dịch từ tỉnh đến cơ sở, cung cấp đầy đủ thông tin đường dây nóng và đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt 24/24 đảm bảo sẵn sàng tiếp nhận và xử lý thông tin phòng, chống dịch trên địa bàn…
Giám đốc Sở Y tế Nay Phi La phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Hoàng Gia. |
Về xây dựng kế hoạch dạy học trong điều kiện ứng phó với dịch bệnh COVID-19, đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT đề xuất tùy theo tình hình thực tế của nhà trường và địa phương, các đơn vị lựa chọn hình thức dạy học phù hợp; cụ thể: dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình, giao bài, hướng dẫn học tập qua điện thoại, Zalo…
Các đơn vị cần sẵn sàng phương án để tận dụng tối đa khoảng thời gian học sinh có thể đến trường để dạy học trực tiếp, nhất là đối với những nội dung thực hành, thí nghiệm và kết hợp ôn tập, củng cố những nội dung lý thuyết đã học trực tuyến; tiến hành khảo sát để nắm thông tin đầy đủ về điều kiện học tập của tất cả học sinh trong nhà trường, làm cơ sở phân loại và lựa chọn các hình thức tổ chức dạy học phù hợp với từng đối tượng…
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Tường Hiệp báo cáo về xây dựng phương án dạy và học trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Ảnh: Hoàng Gia. |
Tại cuộc họp, các đại biểu cũng tập trung thảo luận, đề xuất một số kiến nghị: tiến hành test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cho giáo viên và học sinh ở các trường nội trú và tiến tới tiêm vắc xin phòng, chống COVID-19 cho đội ngũ giáo viên; hỗ trợ máy tính, điện thoại thông minh và các điều kiện về cơ sở vật chất trong tổ chức dạy – học trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục và học sinh có hoàn cảnh khó khăn; có cơ chế hợp đồng giáo viên, không để xảy ra tình trạng thiếu giáo viên trong điều kiện hiện nay; phát động phong trào đảm bảo an toàn cho con em đến trường; tiếp tục đảm bảo công tác an sinh xã hội trên địa bàn…
Kết luận tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh H’Yim Kđoh ghi nhận ý kiến của các đại biểu tại cuộc họp; đặc biệt là việc đề xuất các phương án dạy học trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. UBND tỉnh sẽ tổng hợp các ý kiến và trình Thường trực Tỉnh ủy xem xét và sớm quyết định phương án dạy và học trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh H'Yim Kđoh phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: Hoàng Gia. |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh nhấn mạnh: Các cấp, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, không chủ quan, không lơ là, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch với phương châm lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ”.
Các địa phương phải bảo đảm cho người dân không thiếu ăn, đứt bữa; đảm bảo an dân, an ninh, trật tự an toàn xã hội; hạn chế tối đa số ca mắc tại địa phương, đặc biệt là hạn chế tình trạng lây nhiễm chéo trong các khu cách ly tập trung; nâng cao năng lực xét nghiệm, truy vết, thu dung, điều trị trong phòng, chống dịch COVID-19.
Trong công tác phòng, chống dịch, nếu có vấn đề vướng mắc, khó khăn phát sinh thì cần kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết; khẩn trương triển khai tiêm vắc xin phòng chống COVID-19 theo đúng đối tượng, đảm bảo an toàn tiêm chủng khi được phân bổ vắc xin…
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc