Multimedia Đọc Báo in

Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cứu sống bệnh nhân chấn thương sọ não nặng nguy kịch

08:54, 06/10/2021

Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên vừa phẫu thuật, cứu sống một bệnh nhân bị điện giật, rơi từ trần nhà xuống đất gây chấn thương sọ não nặng, vỡ sọ và tụ máu hai bên, khả năng tử vong cao.

Bệnh nhân là anh N.Q.Tr. (xã Ea Phê, huyện Krông Pắc). Trước đó, anh Tr., sửa điện trên trần nhà, bị điện giật rơi xuống đất với độ cao khoảng 3 mét, được sơ cứu tại Trung tâm Y tế huyện Krông Pắc với chẩn đoán tim rời rạc, sau đó chuyển đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên với chẩn đoán hôn mê sâu, thở ô xy, có cơn ngừng thở, sưng nề da đầu đỉnh phải, bỏng cháy da ngón 3 bàn chân trái, tình trạng nguy kịch. Kết quả CT-Scan sọ não tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho thấy bệnh nhân bị chấn thương sọ não nặng, tụ máu nhiều ngoài màng cứng đỉnh thái dương bên phải và bên trái, nứt sọ thái dương 2 bên, tụ khí nội sọ.

Bệnh nhân sau phẫu thuật.
Bệnh nhân sau phẫu thuật.

Xác định đây là ca bệnh nặng, phức tạp, nếu không phẫu thuật trong “thời gian vàng” sẽ ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân, nên các bác sĩ Khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã nhanh chóng hội chẩn và quyết định phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân. Theo đó, bệnh nhân được phẫu thuật sọ não hai bên phải và trái để lấy máu tụ ngoài màng cứng, sau đó đặt lại xương sọ. Sau phẫu thuật bệnh nhân được dùng thuốc, dịch truyền, kháng sinh, giảm đau, cầm máu, thở oxy và được theo dõi sát sao. Kết quả chụp CT-Scan sọ não sau phẫu thuật, não bệnh nhân đã hết máu tụ, lâm sàng tri giác cải thiện dần và rút nội khí quản.

Đến nay, ngày 4-10, sau 7 ngày phẫu thuật vết mổ khô, sinh hiệu ổn, bệnh nhân tỉnh táo và tiếp tục theo dõi vài ngày sẽ cho xuất viện.

Kim Hoàng

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.