Multimedia Đọc Báo in

Góp ý kiến Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

19:13, 19/01/2022

Sáng 19/1, Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết 26-NQ/TW tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh thành về góp ý kiến Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Tham dự và chủ trì hội nghị có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết 26-NQ/TW; Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.

 Tại điểm cầu Đắk Lắk, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn chủ trì hội nghị. Cùng tham gia có lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

ảnh
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn phát biểu tại hội nghị

Sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, nông nghiệp, nông dân, nông thôn cả nước đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh dịch bệnh. Cụ thể: tăng trưởng nông nghiệp đạt ở mức khá cao, đạt 29,4%/năm; chất lượng tăng trưởng ngày càng cải thiện hơn; kim ngạch xuất khẩu đạt 48,6 tỷ USD năm 2021; cán cân thương mại liên tục xuất siêu, sản phẩm nông sản của Việt Nam có mặt ở 196 quốc gia, lãnh thổ trên thế giới. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã về đích sớm 1,5 năm, với nhiều thành tựu to lớn, toàn diện. Bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt, cuộc sống người dân đổi mới, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Tuy nhiên, khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém. Giá trị tăng trưởng nông nghiệp đang có xu hướng chậm lại và chưa bền vững; việc xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn và bất cập; thu nhập của người dân vùng nông thôn còn thấp; môi trường nông thôn còn ô nhiễm. Và còn nhiều vấn đề khác vẫn cần phải tính toán để có cơ chế chính sách phù hợp trong giai đoạn tới…

Tại hội nghị, các địa phương, bộ, ngành đã đóng góp nhiều ý kiến cho nội dung Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 26. Trong đó, tập trung vào những hạn chế, yếu kém sau 13 năm thực hiện Nghị quyết 26, nhất là về vấn đề môi trường, tiêu thụ nông sản; phát triển nông nghiệp bền vững; chênh lệch thu nhập giữa các vùng... Đồng thời, đưa ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai, thực hiện Nghị quyết 26 của Trung ương.

Các đại biểu cũng đề xuất những điểm mới, có tính chất khơi thông, mở đường cho khai thác, phát huy được nguồn lực con người, điều kiện tự nhiên, xã hội phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn phù hợp với bối cảnh toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu, chuyển đổi số; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, hướng tới mô hình nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh…

Riêng tỉnh Đắk Lắk bên cạnh đưa ra những góp ý về những tồn tại, hạn chế trong thực hiện Nghị quyết 26, còn đưa ra những giải pháp trong giai đoạn mới như: đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông sản tại chỗ để tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho cư dân nông thôn; quản lý tốt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Quan tâm khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, vì đây là hình thức sản xuất phù hợp trong giai đoạn hiện nay…

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng nhấn mạnh, vấn đề nông nghiệp, nông dân là vấn đề chiến lược luôn được Đảng, Nhà nước ta coi trọng hàng đầu. Nghị quyết 26 ra đời hợp lòng dân, sát thực tiễn, tính khả thi cao, sự tập trung tổ chức thực hiện rất bài bản đã tạo ra bước chuyển mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động, làm nên những thành tựu lớn về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời gian qua.

Đến nay là thời điểm thích hợp để tổng kết và ban hành ra một nghị quyết mới phù hợp hơn trong giai đoạn hiện nay. Nghị quyết mới được ban hành phải khẳng định được vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn; nâng cao nhận thức của các ban, bộ, ngành về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phải mạch lạc, rõ ràng, khả thi, phải xác định được những giải pháp đột phá cần tập trung thực hiện. Nghị quyết mới được ban hành phải tạo ra được những chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Do đó, Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương (khoá X) cần tiếp tục nghiên cứu, chắt lọc, tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện Báo cáo tổng kết Nghị quyết số 26 trình các cấp có thẩm quyền trong thời gian tới.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.