Multimedia Đọc Báo in

Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thi hành Luật Công chứng

17:43, 14/01/2022

Sáng 14/1, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thi hành Luật Công chứng. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng; lãnh đạo Sở Tư pháp; cùng các ban, ngành, đơn vị liên quan.

Luật Công chứng (sửa đổi) được Quốc hội khoá XIII thông qua ngày 20/6/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015. Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện (từ 1/1/2015 đến 31/12/2019), Luật Công chứng đã đi vào cuộc sống, đạt nhiều kết quả cụ thể, tiếp tục đóng góp tích cực vào việc thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng; bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, giá trị sử dụng bản dịch, góp phần tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi, tin cậy cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại và góp phần quan trọng vào tiến trình cải cách hành chính và cải cách tư pháp.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm càu tỉnh Đắk Lắk.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk.

Trong 5 năm thi hành Luật Công chứng, các tổ chức hành nghề công chứng trên cả nước đã công chứng được hơn 27 triệu việc; chứng thực chữ ký, giấy tờ, tài liệu, chứng thực bản sao từ bản chính được gần 52 triệu việc; tổng số phí công chứng thu được khoảng gần 8,5 nghìn tỷ đồng; phí chứng thực thu được gần 346 tỷ đồng; tổng số thù lao công chứng thu được gần 1,4 nghìn tỷ đồng; nộp thuế và ngân sách nhà nước gần 1,7 nghìn tỷ đồng…

Hơn 5 năm qua, Bộ Tư pháp đã bổ nhiệm công chứng viên cho 3.235 người, bổ nhiệm lại công chứng viên 98 lượt người, miễn nhiệm công chứng viên cho 153 lượt người; Học viện Tư pháp (Bộ Tư pháp) đã tổ chức được 5 khóa đào tạo, bồi dưỡng nghề công chứng cho 5.272 người, trong đó có 3.728 học viên đã tốt nghiệp; tính đến 30/6/2021, cả nước đã thành lập được 59/63 Hội công chứng viên (tăng 15 lần so với năm 2006)…

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đề nghị tiếp tục thực hiện hiệu quả Luật Công chứng và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm nâng cao nhận thức của cá nhân, tổ chức về vị trí, vai trò của nghề công chứng, công chứng viên trong việc bảo đảm an toàn pháp lý với các hợp đồng, giao dịch; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 172/NQ-CP, ngày 19/11/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng nhằm phát triển nghề công chứng ổn định, bền vững, tạo chuyển biến mạnh trong chất lượng hoạt động công chứng; nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật về công chứng, trong đó cần tập trung xây dựng, trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật Công chứng sửa đổi, bảo đảm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong hoạt động công chứng; xây dựng đội ngũ công chứng viên đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, chấp hành nghiêm pháp luật và quy tắc nghề nghiệp, trong đó tạo chuyển biến mạnh về chất lượng đào tạo, bồi dưỡng tập sự, công nhận hết tập sự…

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.