Multimedia Đọc Báo in

Áp dụng linh hoạt, dựa vào thực tế tại mỗi địa phương, mỗi cơ sở giáo dục

15:43, 17/02/2022

Sáng 17/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp trực tuyến với 63 điểm cầu trong nước và các bộ, ngành liên quan về tình hình mở cửa trường học của các địa phương. 

Tham dự cuộc họp tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh; cùng đại diện một số sở, ngành hữu quan. 

Thời gian qua, ngành GD-ĐT cả nước đã tổ chức dạy và học thích ứng linh hoạt với dịch COVID-19. Đến thời điểm hiện tại, 100% tỉnh, thành phố đã xây dựng và thực hiện tiêu chí bảo đảm an toàn cho học sinh khi học trực tiếp; xây dựng kịch bản dạy và học linh hoạt, an toàn cho trẻ em, học sinh… Cụ thể, việc dạy học trực tiếp cấp mầm non thực hiện tại 54 tỉnh, thành phố; cấp tiểu học là 59 tỉnh, thành phố; cấp THCS và THPT là 63 tỉnh, thành phố; 100% các cơ sở giáo dục đại học đã có kế hoạch và tổ chức dạy học trực tiếp. Tổng số học sinh học trực tiếp trên cả nước là hơn 21 triệu học sinh, chiếm tỷ lệ 93,71%. Theo kế hoạch, đến ngày 21/2 có 59/63 tỉnh thành phố cho học sinh mầm non học trực tiếp; các cấp học còn lại học trực tiếp.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp. Ảnh: TTXVN.

Theo đánh giá tại cuộc họp, chủ trương mở cửa trường học, đưa học sinh tới trường học trực tiếp đã được đánh giá là đúng, kịp thời. Tuy nhiên, việc tổ chức dạy, học  trực tiếp cũng gặp những khó khăn khi dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương. Từ đợt bùng dịch thứ 4 (ngày 27/4/2021) đến nay cả nước ghi nhận 162.917 cán bộ, nhân viên, giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên nhiễm COVID-19. Đặc biệt, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, khi tổ chức các hoạt động dạy và học trực tiếp, một số địa phương có tỷ lệ giáo viên, học sinh nhiễm COVID-19 tăng mạnh là: Hải Phòng, Hà Tĩnh, Nghệ An…

Cùng với đó, một số địa phương còn có những quan điểm khác nhau về thời gian, thời điểm, cách thức, quy mô cho trẻ em, học sinh đi học trực tiếp. Một số cơ sở giáo dục còn lúng túng khi xử lý các trường hợp học sinh là F0, F1; việc khoanh vùng xác định F1 chưa hợp lý dẫn đến nhiều học sinh phải nghỉ học trên lớp, chuyển sang học trực tuyến; một số địa phương yêu cầu 100% học sinh phải xét nghiệm trước khi học trực tiếp…

Các đại biểu tham dự cuộc họp tại điểm cầu Đắk Lắk
Các đại biểu tham dự cuộc họp tại điểm cầu Đắk Lắk.

Thời gian tới, ngành GD-ĐT tiếp tục tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình dạy và học trực tiếp bảo đảm an toàn phòng chống dịch tại các địa phương; phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để đánh giá tình hình dịch bệnh trong trường học, kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo đối với các tình huống phức tạp xảy ra; tiếp tục hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn, hoàn thành kế hoạch năm học theo hướng chất lượng, hiệu quả…

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ, ngành liên quan nghiên cứu và thống nhất trong phòng, chống dịch trên toàn quốc nhưng không áp dụng cứng nhắc mà áp dụng linh hoạt, dựa vào thực tế tại mỗi địa phương, mỗi cơ sở giáo dục; tiếp tục kiện toàn việc dạy học trực tuyến kết hợp trực tiếp. Đặc biệt, Bộ Y tế cần có văn bản cụ thể hướng dẫn về việc tổ chức xét nghiệm trong trường học; việc cách ly F1 trong trường học; cách phòng chống dịch bệnh khi tổ chức học bán trú…

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.