Hội đồng Di sản quốc gia làm việc với UBND tỉnh về công tác bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hoá
Chiều 29/4, Đoàn công tác của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia do Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện công tác bảo tồn và phát huy Di sản Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên và công tác bảo vệ, phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Tiếp và làm việc với đoàn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành hữu quan.
Theo báo cáo tại buổi làm việc, thời gian qua công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đối với Di sản Văn hóa Cồng chiêng, từ năm 2007 đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành 5 Nghị quyết về bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng trên địa bàn và xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai Nghị quyết một cách đồng bộ, hiệu quả.
Từ năm 2007 - 2021, tỉnh đã cấp trên 170 bộ cồng chiêng cho các đội chiêng tiêu biểu và các nhà văn hóa cộng đồng ở các buôn vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Nhiều nghi thức, nghi lễ gắn với văn hóa cồng chiêng đã được phục dựng; văn hóa cồng chiêng đã trở thành một trong những sản phẩm du lịch đặc sắc của tỉnh.
Việc tổ chức các lớp truyền dạy đánh chiêng, cấp chiêng và trang phục được thực hiện hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tâm linh trong các lễ hội của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi trong việc duy trì tập luyện, tham gia các buổi phục dựng, trình diễn nghi lễ, lễ hội truyền thống, hội thi, hội diễn, liên quan cồng chiêng… góp phần động viên, khích lệ tinh thần rất lớn cho các nghệ nhân.
Quang cảnh buổi làm việc. |
Ngoài di sản văn hóa cồng chiêng, Đắk Lắk còn có 2 di tích quốc gia đặc biệt là Nhà đày Buôn Ma Thuột và Di tích Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh (đoạn đi qua huyện Buôn Đôn) với điểm đến Bến phà Sêrêpốk. Đối với Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột, mặc dù đã trải qua 2 lần trùng tu vào năm 1992 và 2006, song hiện nay các hạng mục công trình của di tích đang cần tiếp tục có những biện pháp bảo quản, tu bổ, phục hồi kịp thời.
Từ thực tế đó, tỉnh đã và đang triển khai Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk” song song với Kế hoạch số 17/KH-UBND, ngày 21/01/2022 về bảo quản, tu bổ và phát huy giá trị Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột đến năm 2025 nhằm từng bước bảo vệ và phát huy giá trị của di tích. Đối với Di tích Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh, hiện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang phối hợp cùng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Vườn quốc gia Yok Đôn và UBND huyện Buôn Đôn thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bảo tồn và phát huy Di sản Văn hóa Cồng chiêng; bảo vệ, phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn, hạn chế như: không gian trình diễn, diễn xướng văn hóa cồng chiêng đang bị biến đổi; chính sách, chế độ đãi ngộ, hỗ trợ cho các nghệ nhân nói chung, nghệ nhân cồng chiêng nói riêng chưa thỏa đáng; kinh phí bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đề ra; công tác phát huy di tích quốc gia đặc biệt hiện nay chưa được đầu tư đồng bộ; công tác tuyên truyền, quảng bá để thu hút khách tham quan, thúc đẩy phát triển du lịch còn hạn chế…
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đưa ra một số khuyến nghị và giải pháp xung quanh việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hoá trên địa bàn tỉnh. |
Từ các buổi khảo sát trước đó, cùng báo cáo, tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi nhiều vấn đề xung quanh việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hoá như: phát huy văn hóa cồng chiêng gắn đời sống các dân tộc, bổ sung tư liệu cho Di tích Quốc gia Đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột, áp dụng công nghệ số vào việc phát triển du lịch văn hoá, khảo cổ…
Phát biểu tại buổi làm việc, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đánh giá rất cao công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của tỉnh Đắk Lắk. Ông nhấn mạnh, Tây Nguyên rất may mắn sở hữu không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và được UNESCO công nhận là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.
Vì vậy, tỉnh cần tận dụng lợi thế về sự đa dạng dân tộc, vị trí địa lý để phát triển, đồng thời tiếp tục khai thác các tiềm năng, trong đó có di sản vật thể và phi vật thể để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, Đắk Lắk cũng cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ số để phát huy giá trị khảo cổ, giá trị hiện vật lưu giữ tại bảo tàng, qua đó tạo thêm sự hấp dẫn, thu hút khách tham quan, du lịch, từ đó giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh phát biểu tại buổi làm việc. |
Sau khi nghe những ý kiến đóng góp và khuyến nghị từ các chuyên gia Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh bày tỏ sự trân trọng đối với những ý kiến, hướng dẫn của các chuyên gia trong đoàn công tác. Tỉnh rất vinh dự khi được Hội đồng Di sản quốc gia đánh giá cao công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá trên địa bàn tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Đắk Lắk sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp của đoàn công tác và tiếp tục có những kế hoạch để phát triển, bảo tồn các di sản văn hoá trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh tặng quà lưu niệm đến đoàn công tác. |
Nhân dịp này, Phó chủ tịch UBND tỉnh tặng quà lưu niệm đoàn công tác.
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc