Multimedia Đọc Báo in

Chỉ số PAPI 2021 của Đắk Lắk tăng 9 bậc so với năm 2020

17:13, 10/05/2022

Ngày 10/5, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) cùng các đối tác đã công bố Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2021. Buổi lễ được thực hiện theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

PAPI là chương trình nghiên cứu quan trọng về quản trị do Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam khởi xướng từ năm 2009. Chỉ số PAPI đo lường, so sánh trải nghiệm và cảm nhận của người dân về hiệu quả, chất lượng thực thi chính sách, cung cấp dịch vụ công của chính quyền địa phương ở 63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam nhằm thúc đẩy xây dựng quản trị hiệu quả và chủ động đáp ứng nhu cầu của người dân.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do hai đợt dịch COVID-19, chương trình nghiên cứu PAPI đã lấy được ý kiến của 15.833 người dân trên cả nước, nhiều nhất kể từ năm 2009 (khi nghiên cứu PAPI bắt đầu được thực hiện) tới nay, nâng tổng số người dân được PAPI phỏng vấn trong 13 năm qua lên tới 162.066 lượt người.

Đây còn là năm đầu tiên, khảo sát PAPI tiến hành phỏng vấn đối với nhóm đối tượng người dân di cư, với sự tham gia của hơn 1.000 người di cư từ 12 tỉnh. Những người tham gia khảo sát được lựa chọn ngẫu nhiên từ mọi tầng lớp dân cư, chia sẻ những trải nghiệm thực tế của mình khi tương tác với bộ máy hành chính nhà nước ở địa phương, đồng thời nêu ý kiến phản hồi về hiệu quả quản trị, điều hành, hành chính nhà nước và cung ứng dịch vụ công ở địa phương.

Bảng tổng hợp kết quả Chỉ số PAPI của các tỉnh, thành phố. (Nguồn: papi.org.vn - Ảnh chụp màn hình)
Bảng tổng hợp kết quả Chỉ số PAPI của các tỉnh, thành phố. (Nguồn: papi.org.vn - Ảnh chụp màn hình)

Chỉ số PAPI năm 2021 đánh giá trên 8 tiêu chí gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị môi trường; Quản trị điện tử.

Dẫn đầu bảng tổng hợp kết quả PAPI 2021 của các tỉnh, thành phố là Thừa Thiên - Huế với 48,095 điểm; tiếp theo là Bình Dương với 47,178 điểm; Thanh Hóa với 47,102 điểm. Ba tỉnh gồm: Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh do dữ liệu bị nhiễu nên không đưa vào báo cáo đánh giá.

Đối với tỉnh Đắk Lắk, Chỉ số PAPI năm 2021 đạt 41,524 điểm, xếp vị thứ 41/60/63 tỉnh, thành phố; tăng 9 bậc so với năm 2020 (50/63) và đứng thứ hai (sau Lâm Đồng) so với 5 tỉnh Tây Nguyên. Trong đó, nhóm tiêu chí đạt điểm cao nhất là Tham gia của người dân ở cấp cơ sở (5,195 điểm); nhóm tiêu chí đạt điểm trung bình cao: Quản trị điện tử (3,055 điểm). Các nhóm tiêu chí đạt điểm trung bình thấp gồm: Công khai minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương (5,004 điểm); Trách nhiệm giải trình với người dân (4,163 điểm); Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công (6,579 điểm). Các nhóm tiêu chí đạt điểm thấp nhất: Thủ tục hành chính công (6,801 điểm); Cung ứng dịch vụ công (7,508 điểm); Quản trị môi trường (3,219 điểm).

Lan Anh
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.