Giám sát Chương trình giảm nghèo bền vững tại huyện Krông Năng
Chiều 17/5, Đoàn công tác của Ban Dân tộc - HĐND tỉnh do Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng Ban Dân tộc - HĐND tỉnh Lê Văn Cường làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND huyện Krông Năng nhằm đánh giá kết quả thực hiện Nghi ̣quyết số 15/2016/NQ-HĐND, ngày 14/12/2016 của HĐND tỉnh về Chương trình giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016 - 2020 đối với vùng đồng bào dân tôc̣ thiểu số trên địa bàn huyện.
Tham gia cùng Đoàn còn có Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Thượng Hải; đại diện lãnh đạo các ban, ngành liên quan.
Các đại biểu tham dự buổi làm việc với UBND huyện Krông Năng. |
Huyện Krông Năng có dân số khoảng 136.570 người, với 25 dân tộc cùng sinh sống; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số khoảng 43.900 người (chiếm 32%); phần lớn dân số sống ở nông thôn và sản xuất nông nghiệp. Huyện có 12 xã, thị trấn; 177 thôn, buôn, tổ dân phố. Tổng số hộ nghèo của huyện tính đến cuối năm 2021 là 2.126 hộ (chiếm 6,46%); trong đó, hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số có 1.355 hộ (chiếm 63,73%), hộ cận nghèo là 5.205 hộ (chiếm 15,83%)…
Trong 5 năm (2016 - 2020), việc thực hiện Nghị quyết số 15/2016/NQ-HĐND, ngày 14/12/2016 của HĐND tỉnh được huyện triển khai đồng bộ và kịp thời ở tất cả các cấp, ngành. Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống và huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận của các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và sự tham gia của các tầng lớp nhân dân; các chỉ tiêu của chương trình về cơ sở hạ tầng được đầu tư, nâng cấp; hộ nghèo được hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập; việc tiếp cận các dịch vụ xã hội như: y tế, giáo dục, nước sạch… ngày càng tốt hơn; đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,57% (năm 2016) xuống còn 6,46% (năm 2022), bình quân mỗi năm giảm được 1,62% hộ nghèo…
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Thượng Hải tham gia ý kiến tại buổi làm việc. |
Trong 5 năm, ngân sách Trung ương bố trí cho huyện thực hiện Nghị quyết là 33 tỷ đồng; ngân sách địa phương huy động được hơn 850 triệu đồng và các nguồn khác hơn 2,4 tỷ đồng. Đến nay, 100% đường huyện quản lý được nhựa hóa, cứng hóa; 100% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 100% xã có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân; trên 99,5% hộ dân được sử dụng điện sinh hoạt; trên 98% hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; các công trình thủy lợi đáp ứng trên 80% nhu cầu tưới tiêu cho cây trồng.
Hiện có 110.652 hộ dân được vay vốn ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội; trong đó, có 1.484 lượt hộ nghèo, cận nghèo vay vốn với hơn 63 tỷ đồng; các cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức 58 lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật, với hơn 3.480 lượt người tham gia. Từ năm 2016 - 2020, toàn huyện xây được 508 ngôi nhà theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg, ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, với tổng số vốn hơn 18,6 tỷ đồng…
Qua giám sát, Đoàn công tác cũng đã chỉ ra một số hạn chế như: chất lượng giảm nghèo chưa thực sự bền vững, nguy cơ phát sinh và tái nghèo cao; tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn còn chậm, do đó ảnh hưởng đến hiệu quả hỗ trợ đối với các hộ nghèo, cận nghèo và các thôn, buôn đặc biệt khó khăn; cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương chưa quan tâm, coi trọng đúng mức đối với công tác giảm nghèo bền vững; hình thức tuyên truyền chưa phong phú, đa dạng nên một số hộ nghèo chưa nắm bắt và tiếp cận kịp thời các chủ trương, chính sách về giảm nghèo…
Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng Ban Dân tộc - HĐND tỉnh Lê Văn Cường phát biểu tại buổi làm việc. |
Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng Ban Dân tộc - HĐND tỉnh Lê Văn Cường đề nghị, thời gian tới, huyện cần thực hiện tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đối với vùng dân tộc thiểu số; thực hiện tốt công tác quản lý nguồn vốn vay, xét đối tượng cho vay theo đúng quy định; tổ chức triển khai nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế trong vùng dân tộc thiểu số; chủ động phối hợp với các phòng chuyên môn để triển khai kịp thời và có hiệu quả các dự án sản xuất, kinh doanh trong đồng bào dân tộc thiểu số; tiếp tục thực hiện tốt chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo gặp khó khăn về nhà ở…
* Trước đó, sáng cùng ngày, Đoàn công tác đã tiến hành kiểm tra, giám sát tại UBND xã Ea Dăh và tham quan thực tế một số mô hình phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững trên địa bàn xã.
Đoàn công tác kiểm tra, giám sát thực tế một mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn xã Ea Dăh (huyện Krông Năng). |
Trong các ngày 18, 19, 20 và 24/5, Đoàn công tác tiếp tục giám sát tại các huyện: M’Drắk, Krông Bông, Ea Súp và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Thông qua công tác giám sát tại các đơn vị, địa phương nhằm nắm bắt, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 15/2016/NQ-HĐND, ngày 14/12/2016 của HĐND; đánh giá những kết quả đạt được, hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện; đồng thời, tìm ra nguyên nhân, tiếp nhận các kiến nghị, đề xuất nhằm phục vụ cho việc triển khai thực hiện Chương trình muc̣ tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc