Multimedia Đọc Báo in

Chủ động ứng phó với mưa lớn diện rộng xảy ra trên địa bàn tỉnh

16:23, 10/08/2022

Trước tình hình mưa lớn kéo dài trên địa bàn Đắk Lắk trong những ngày qua, UBND tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương, ban ngành liên quan chủ động ứng phó với thiên tai, bảo vệ an toàn tính mạng của nhân dân và hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo kiểm tra, rà soát phương án ứng phó thiên tai cụ thể, phù hợp với tình hình và điều kiện của địa phương, nhất là phương án di dời, sơ tán dân vùng bị thiên tai đảm bảo an toàn theo phương châm “bốn tại chỗ”; chủ động kiểm tra các công trình hồ đập, khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để kịp thời phát hiện, xử lý sự cố bảo đảm an toàn. Tăng cường kiểm tra, rà soát các khu vực ven sông, suối, khu vực thấp trũng, khu đô thị có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra, không để bị động bất ngờ.

ảnh
Mưa lớn đang gây ngập lụt và chia cắt cục bộ trên địa bàn huyện Ea Súp

Sở NN-PTNT có trách nhiệm kiểm tra, rà soát công tác bảo đảm an toàn đối với hồ đập thủy lợi, hệ thống đê điều; sẵn sàng điều chỉnh kịp thời kế hoạch sản xuất, hạn chế tác động do thiên tai. Đề xuất xử lý khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai, các vị trí đê điều, hồ đập thủy lợi trọng điểm xung yếu, khu vực sạt lở, lũ quét (nếu có) để bảo đảm an toàn, chủ động ứng phó tình huống mưa, lũ lớn. Tăng cường, giám sát vận hành an toàn hồ đập thủy lợi trên địa bàn tỉnh, tuyệt đối không cho tích nước đối với các hồ chứa  nước không đảm bảo an toàn. 

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh tổ chức rà soát, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để sẵn sàng ứng phó thiên tai, tổ chức cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn tỉnh khi có chỉ đạo của UBND tỉnh. 

Chủ đập hồ chứa thủy lợi, thủy điện tăng cường kiểm tra, rà soát các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn hệ thống hồ chứa, nhất là các công trình đang bị hư hỏng, đang thi công, các hồ chứa thủy điện, thủy lợi xung yếu; bố trí đủ lực lượng trực tại công trình, chủ động vận hành đón lũ, bảo đảm an toàn công trình và hạ du. Đồng thời, chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương rà soát ngay các vùng ở hạ du hồ chứa tập trung đông dân cư, có nguy cơ ngập lụt, chuẩn bị phương án cảnh báo cho nhân dân biết để sẵn sàng ứng phó khi mưa lũ xảy ra; thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về mực nước, lưu lượng nước đến hồ và các bản tin dự báo để vận hành, điều tiết hồ chứa cho phù hợp với tình hình thực tế và theo đúng quy trình vận hành hồ chứa đã được phê duyệt. 

Đối với khu vực lòng hồ thủy lợi Krông Pách thượng, đề nghị UBND huyện M’Drắk phối hợp với Ban Quản lý và Đầu tư xây dựng thủy lợi 8, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh khẩn trương rà soát, đôn đốc, kiểm tra, cập nhật phương án, chủ động di dời dân cư đến nơi an toàn với mục tiêu giảm thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân... 

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.