Multimedia Đọc Báo in

Nước sạch về với người dân Ea Bar những ngày cận Tết Nguyên đán

22:16, 20/01/2023

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, hàng nghìn hộ dân sinh sống trên địa bàn xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn) vô cùng phấn khởi khi nước sạch đã được đấu nối đến tận nhà đúng trong dịp Tết.

Xã Ea Bar có 21 thôn, buôn với hơn 3.500 hộ dân sinh sống. Trước đây, xã đã có công trình cung cấp nước sinh hoạt cho bà con tại một số thôn, buôn, nhưng do công suất nhỏ, lại thiếu nguồn nước nên chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhân dân, khiến bà con gặp nhiều khó khăn. Vào mùa khô hanh, nguồn nước bị cạn kiệt, khan hiếm.

Năm 2020, dự án nâng cấp, mở rộng công trình cấp nước sinh hoạt tại xã Ea Bar được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn của tỉnh và của Ngân hàng thế giới WB theo chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả”, với tổng mức đầu tư hơn 34 tỷ đồng. Dự án do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn là đơn vị quản lý vận hành sau đầu tư. 

Đến nay, công trình đã hoàn thành và đang đưa vào vận hành thử nghiệm trước dịp Tết Nguyên đán, dự kiến đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch cho 1.888 hộ dân trên địa bàn xã, với công suất 1.320m3/ngày đêm.

Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra việc vận hành thử nghiệm công trình cấp nước sinh hoạt tại xã Ea Bar. Ảnh: T.Linh
Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra việc vận hành thử nghiệm công trình cấp nước sinh hoạt tại xã Ea Bar. 

Phấn khởi với hệ thống nước sạch vừa được kéo vào tận nhà, ông Nguyễn Văn An (thôn 5) chia sẻ: “Trước đây nguồn nước sinh hoạt chủ yếu của gia đình lấy từ giếng khoan. Vào mùa khô, thường xuyên xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu nước phục vụ nhu cầu sử dụng. Nay có công trình cấp nước sạch dẫn về đến tận sân nhà, gia đình tôi và các hộ dân trong xã rất phấn khởi. Quan trọng hơn là được sử dụng nguồn nước đạt tiêu chuẩn, đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng nên tôi rất yên tâm”.

Anh Nguyễn Thanh Tân (thôn 5) cũng hết sức vui mừng khi công trình cấp nước được xây dựng và đưa vào sử dụng. “Có nước sạch, mọi sinh hoạt của gia đình sẽ tiện lợi hơn rất nhiều, không còn phải lo lắng khi nấu ăn, uống cho con cái nữa. Tuy nhiên, để tiết kiệm chi phí, gia đình vẫn sử dụng song song cả nước giếng cho các sinh hoạt như tắm, giặt, lau dọn nhà cửa”, anh Tân trò chuyện.

Chia sẻ về việc quản lý, vận hành công trình cấp nước, anh Lê Hữu Hiếu, Trạm trưởng Trạm cấp nước xã Ea Bar cho biết, để khai thác và sử dụng công trình có hiệu quả và bền vững, chúng tôi cử cán bộ kỹ thuật trực 24/24 giờ tại trạm, đảm bảo khi có sự cố sẽ được khắc phục, không làm gián đoạn việc sử dụng nước sạch của bà con. 

Người dân xã Ea Bar phấn khởi khi được cấp nước sạch những ngày cận Tết. Ảnh: T.Linh
Người dân xã Ea Bar phấn khởi khi được cấp nước sạch những ngày cận Tết. 

Để bảo vệ tốt đầu nguồn nước, Trạm phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, không chăn thả gia súc ở khu vực đầu nguồn nước. Bên cạnh đó, các cán bộ kỹ thuật thường xuyên vận động, tuyên truyền người dân giữ gìn, bảo vệ đường ống nước, lắp đặt hộp kim loại để bảo vệ đồng hồ nước, đồng thời hướng dẫn bà con sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm. 

Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đánh giá, Ea Bar là một trong số ít các xã trên địa bàn tỉnh có gần 100% dân số được sử dụng nguồn nước sạch từ các công trình cấp nước sinh hoạt. Nguồn nước bảo đảm vệ sinh sẽ giúp bà con nâng cao chất lượng cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế; giảm dần khoảng cách giữa nông thôn với đô thị. Trong thời gian công trình cấp nước sinh hoạt vận hành thử nghiệm, bà con sẽ được sử dụng miễn phí nguồn nước sạch.

Thùy Linh

 

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.