Nghĩ về văn hóa đọc hiện nay
Nhà văn người Đan Mạch Hans Christian Andersen đã đúc kết rằng “Người càng thông thái thì càng đọc nhiều và những người thông thái nhất là những người đọc nhiều nhất”. Đọc sách chính là chìa khóa vạn năng giúp mỗi chúng ta nâng tầm hiểu biết để vươn tới biển cả tri thức! Vậy, trong thời đại số và toàn cầu hóa hiện nay, việc đọc sách nói riêng và văn hóa đọc nói chung đang diễn ra thế nào?
Triết gia Thomas Carlyle (người Scotland) đã từng phát biểu: “Tất cả những gì con người đã làm, nghĩ hoặc trở thành đều được bảo tồn một cách kỳ diệu trên những trang sách”. V.I.Lênin cũng khẳng định “Không có sách thì không có tri thức”… Quả thật, sách là kho tàng tri thức của nhân loại. Sách là một phương tiện dùng để ghi chép, lưu giữ và lưu truyền tri thức trong xã hội loài người.
Đọc sách hay văn hóa đọc được hiểu nôm na chính là thái độ, là cách ứng xử của mỗi người đối với tri thức, sách vở, là thể hiện sự khát khao, tìm kiếm nguồn tri thức của mỗi người nhằm vươn đến “Chân – Thiện – Mỹ”. Tác dụng của việc đọc sách không chỉ dừng lại ở việc tiếp thu kiến thức mà còn là một biện pháp để hoàn thiện con người, rèn luyện cho người đọc những kỹ năng, tình cảm và thói quen hữu ích. Với ý nghĩa này, các loại sách khoa học, văn chương – nghệ thuật, lịch sử, triết học… không chỉ là những loại sách thuần chuyên môn mà đã trở thành kho tàng tri thức cho toàn xã hội. Sách đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển tri thức. Mỗi quyển sách là một động lực phát triển văn minh xã hội. Sách chính là người bạn tâm giao, người bạn tri kỷ của chúng ta, nhờ có sách mà con người được khai sáng, dẫn lối đến một thế giới hoàn toàn mới lạ, ở đó con người trở nên sáng tạo và hiểu biết nhiều hơn.
Học sinh Đắk Lắk háo hức tham gia các hoạt động nhân Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022. Ảnh: Quang Khải |
Thực tế đã cho thấy, nếu không đọc sách sẽ làm cho tâm hồn khô héo, thiếu cảm xúc và rung động trước cuộc sống, dẫn đến sự vô cảm, con người ngày càng trở nên cộc cằn, ứng xử thiếu văn minh, lịch sự, thậm chí vô lễ và hành xử dã man. Việc ít đọc sách sẽ khiến con người/giới trẻ không biết cảm thông, chia sẻ hay yêu thương; không biết tự kiềm chế bản thân trước mọi sự việc, làm nảy sinh ngày càng nhiều các vụ bạo lực hay thói vô cảm trong xã hội… Đặc biệt, đối với giới trẻ học đường, nếu lười đọc sách sẽ khiến việc học tập càng trở nên khó khăn, tri thức và sự hiểu biết nông cạn. Hậu quả nhãn tiền là số đông giới trẻ ngày nay có năng lực đọc kém, dẫn đến viết sai chính tả, ngữ pháp, không phân biệt được lỗi phát âm và diễn đạt vụng về, thô lỗ…
Với thế hệ cha ông ta trước đây, đọc sách là nhu cầu tự thân để vươn lên trên con đường học vấn, là thói quen giải trí lành mạnh và bổ ích mà một thời “sách gối đầu giường”! Thế nhưng, thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, văn hóa nghe - nhìn “lấn át” văn hóa đọc đã khiến cho rất đông chúng ta, đặc biệt là giới trẻ xa dần thói quen đọc sách mỗi ngày. Muốn tra cứu vấn đề gì chỉ cần gõ tìm kiếm trên Google là có thể biết tất, thế nên đọc sách không còn là lựa chọn bắt buộc và duy nhất. Thư viện, hiệu sách vắng bóng độc giả, nhường chỗ cho nhà hàng, quán cà phê, karaoke, tiệm Internet... Trong trường học, ngoài sách giáo khoa và sách tham khảo dùng cho môn học, hiếm có bạn học sinh, sinh viên nào dùng tiền để mua các loại sách khác, hoặc dùng thời gian rảnh rỗi để tới thư viện, hiệu sách.
Đặc biệt, chúng ta thật sự lo lắng trước thực trạng đang diễn ra hiện nay: Gia đình, nhà trường và xã hội thiếu quan tâm đến việc phát triển tâm hồn và năng lực trí tuệ cho con trẻ. Phụ huynh vì bận rộn với công việc mà không quan tâm khuyến khích con cái đọc sách. Nhà trường ít có kế hoạch đọc sách, hay không gian đọc sách cho học sinh. Xã hội không thường xuyên có chương trình khuyến khích, cổ động việc đọc sách trong toàn dân để nâng cao dân trí… Và dường như, khôi phục thói quen đọc sách trong toàn dân chỉ nằm trên khẩu hiệu đang là nỗi trăn trở cho tất cả chúng ta.
Nguyễn Đình Dũng
Ý kiến bạn đọc