Multimedia Đọc Báo in

Để không còn đau vì… sợ!

04:46, 03/04/2023

Từ đầu năm 2022 đến nay, tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư y tế xảy ra ở mức báo động tại các địa phương. Câu chuyện này không chỉ gây khó khăn cho các bác sĩ, ngành y tế, mà ảnh hưởng đến nhiều người dân.

Theo số liệu của Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) công bố vào giữa năm 2022 cho thấy: 28/34 Sở Y tế, 12/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu thuốc. Các thuốc thiếu tại cơ sở khám chữa bệnh bao gồm một số thuốc kháng sinh dự trữ dùng để điều trị bệnh nhân nặng, thuốc hướng tâm thần, một số thuốc tim mạch, điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị sốt xuất huyết, thuốc nhãn khoa...

Bên cạnh đó, có 26/34 Sở Y tế và 15/21 bệnh viện tuyến Trung ương có tình trạng thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất, chủ yếu là hóa chất dùng xét nghiệm; 14/34 Sở Y tế và 8/21 bệnh viện tuyến Trung ương có tình trạng thiếu trang thiết bị y tế như các trang thiết bị y tế chuyên sâu: thiết bị phòng mổ, thiết bị chuyên ngành thần kinh, tim mạch, nội soi tai mũi họng, mắt, tiêu hóa, hô hấp, hồi sức tích cực, thiết bị chẩn đoán hình ảnh, thiết bị xét nghiệm chuyên sâu.

1
Nhân viên y tế huyện Ea H'leo kiểm tra thân nhiệt của người dân qua chốt kiểm dịch Cầu 110 trong đợt dịch năm 2021. Ảnh minh họa: Minh Thông

Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế khiến bệnh nhân phải chấp nhận nén đau dời lịch mổ, hoãn mổ do bệnh viện chỉ ưu tiên phẫu thuật những bệnh nhân nặng, bệnh nhân cấp cứu. Thậm chí, một số loại vật tư y tế người bệnh phải tự mua ở các cơ sở tư nhân. Thời gian qua, các cơ quan thông tin đại chúng đã liên tục phản ánh về vấn đề này và được dư luận rất quan tâm.

Theo lý giải của ngành y tế, nguyên nhân chính của hiện tượng trên là do Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành phố đã thực hiện việc phân cấp thẩm quyền mua sắm, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị, nhưng do tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra của một số đơn vị, nên không dám đấu thầu, mua sắm. Một số địa phương giao cho các đơn vị chủ động tự đấu thầu, thay vì đấu thầu tập trung như trước, nhưng các đơn vị vẫn tỏ ra lúng túng hoặc e ngại trong tổ chức thực hiện. Một số doanh nghiệp, nhà cung cấp cũng e ngại trong việc cung ứng hàng hóa cho các đơn vị công do liên quan đến giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu, thủ tục thanh toán phức tạp, khó khăn.

Có thể chia sẻ cho những e dè trong việc mua sắm, đấu thầu thuốc, bởi quy định trong lĩnh vực này vẫn còn bất cập là thuốc trúng thầu phải có giá rẻ nhất và giá trúng thầu thấp nhất sẽ được áp dụng làm giá kế hoạch cho năm sau, nghĩa là khi đấu thầu, giá thuốc mỗi năm phải rẻ hơn năm trước. Bên cạnh đó, mua sắm trong lĩnh vực y tế nhiều khi không thể có kế hoạch chủ động mà xuất phát từ nhu cầu bị động, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như tình hình dịch bệnh, mô hình bệnh tật… Tuy nhiên, chả lẽ vì sợ cơ chế, sợ đấu thầu, mua sắm mà ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân khi khám bệnh, chữa bệnh?!

Trước tình trạng thiếu trầm trọng thuốc, vật tư y tế, từ đầu năm nay, Chính phủ đã liên tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương giải quyết. Cụ thể, Nghị quyết 01/NQ-CP, ngày 6/1/2023 của Chính phủ xác định nhiệm vụ cấp thiết là giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế; tập trung xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm, quản lý, cấp phép, gia hạn, bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế; đẩy mạnh sản xuất trang thiết bị y tế trong nước.

Tại Công điện 72/CĐ-TTg, ngày 25/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục các giải pháp bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương kiểm tra, nắm tình hình; hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở y tế triển khai quyết liệt các giải pháp để bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tăng cường trách nhiệm, chủ động, linh hoạt trong việc lập kế hoạch mua sắm, đấu thầu. Phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, dám nghĩ, dám làm trong tổ chức mua sắm, đấu thầu bảo đảm công khai, minh bạch, khoa học, hiệu quả, tránh lãng phí và thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm. Đối với Bộ Y tế, rà soát cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính rườm rà gây phiền hà, khó khăn cho việc thực hiện thủ tục mua sắm thuốc, trang thiết bị, sinh phẩm; đẩy nhanh tiến độ cấp phép lưu hành đối với thuốc, trang thiết bị y tế; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp kinh doanh thuốc, trang thiết bị y tế thực hiện theo pháp luật.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, hy vọng rằng tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế sẽ sớm được giải quyết nhằm phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc