Multimedia Đọc Báo in

Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 11 (mở rộng)

18:15, 06/12/2021

Chiều 6/12, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 11 (mở rộng) để cho ý kiến về Báo cáo tổng kết thực hiện nhiệm vụ năm 2021, Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ năm 2022; cho ý kiến các nội dung theo Chương trình hoạt động toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 – 2025 (Quý IV/2021) và một số nội dung khác theo thẩm quyền.

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Minh Tấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Phạm Ngọc Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Y Biêr Niê, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Y Vinh Tơr, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đại diện các cơ quan Trung ương; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan trong tỉnh.

A
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung phát biểu khai mạc hội nghị.

Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025. Ngay từ đầu năm, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã bám sát những định hướng, chủ trương lớn của Trung ương và điều kiện thực tế của tỉnh để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2021.

A
Các đại biểu tham dự hội nghị.

Tuy nhiên từ cuối tháng 4/2021 đến nay, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng đã tác động tiêu cực đến mọi lĩnh vực đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Xác định những khó khăn, thách thức đặt ra, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành, điều chỉnh, bổ sung, nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế; tập trung mọi nguồn lực thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa duy trì, phát triển kinh tế xã hội.

Theo đó, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP – giá so sánh 2010) ước thực hiện hơn 52.481 tỷ đồng, bằng 98,3% kế hoạch (KH); tăng trưởng kinh tế đạt 5,1%. Thu cân đối ngân sách nhà nước ước đạt 8.150 tỷ đồng, bằng 151,8% dự toán Trung ương giao và bằng 110% KH của tỉnh (tăng 9,5% so với cùng kỳ).

Sản xuất nông nghiệp ổn định, đạt kết quả tích cực, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 350.499/279.606 tấn, bằng 125,35% KH, tăng 16.482 tấn so với cùng kỳ. Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai hiệu quả, đến nay toàn tỉnh đạt 2.376/2.888 tiêu chí, bình quân toàn tỉnh đạt 15,63 tiêu chí/xã, có 71 xã đạt chuẩn, tăng 5 xã so với cuối năm 2020.

A
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn phát biểu tại hội nghị.

Chất lượng, hiệu quả giáo dục đào tạo các cấp được nâng lên; chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch, nhiệm vụ năm học 2021 – 2022 bảo đảm hướng dẫn của Trung ương và phù hợp với tình hình dịch bệnh COVID-19. Công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân được bảo đảm; tập trung, chủ động triển khai hiệu quả các hoạt động y tế dự phòng, nhất là phòng, chống dịch COVID-9 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác.

Các hoạt động văn hóa, xã hội, chăm sóc sức khỏe người dân, an sinh xã hội, giảm nghèo, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 tiếp tục được quan tâm thực hiện. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng triển khai, trong năm 2021 ước kết nạp được 1.960 đảng viên mới, đạt 105% kế hoạch.

A
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị trình bày các dự thảo tại hội nghị.

Bên cạnh các kết quả đã đạt được, kết quả thực hiện nhiệm năm 2021 vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: có 6 chỉ tiêu cơ bản đạt kế hoạch nhưng chỉ số thành phần đạt thấp và 2 chỉ tiêu không đạt kế hoạch; thu ngân sách nhà nước vượt kế hoạch, nhưng thu biện pháp tài chính không đạt kế hoạch đề ra; các lĩnh vực xuất khẩu, dịch vụ du lịch, vận tải giảm mạnh; tình trạng vi phạm lâm luật, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên và vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn xảy ra; kết quả giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt kế hoạch đề ra; tình hình an ninh, trật tự trên một số địa bàn, lĩnh vực có thời điểm còn xảy ra phức tạp; cải cách hành chính vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là cải cách thủ tục hành chính…

Phát biểu khai mạc hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung nhấn mạnh, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và của tỉnh. Do đó, để đảm bảo hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2021, đồng thời, xây dựng, ban hành Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ năm 2022, các đại biểu cần tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2021, trong đó cần phân tích sâu những hạn chế còn tồn tại và nguyên nhân. Đồng thời, thảo luận, thống nhất các nhiệm vụ trọng tâm của năm 2022 đảm bảo khả thi, hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

Tại hội nghị, sau khi nghe các dự thảo văn kiện, đại biểu đã tiến hành chia tổ thảo luận, cho ý kiến về dự thảo các nội dung quan trọng như: Báo cáo tổng kết thực hiện nhiệm vụ năm 2021; Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ năm 2022; Báo cáo tổng kết Chương trình kiểm tra, giám sát của Tỉnh ủy năm 2021; Chương trình kiểm tra, giám sát của Tỉnh ủy năm 2022 và nhiều nội dung quan trọng khác…

Ngày mai (7/12), hội nghị tiếp tục tiến hành thảo luận tổ; tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận của các tổ; thảo luận tại hội trường… và bế mạc hội nghị.

Nguyễn Gia

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.