Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV: Cải thiện thủ tục hành chính về đất đai
Tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ 5, sáng 15/1 Quốc hội nghe báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, để cải thiện thủ tục hành chính về đất đai khi tổ chức kinh tế thực hiện chuyển nhượng dự án bất động sản theo Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2023 và bảo đảm nghĩa vụ tài chính về đất được kế thừa từ bên chuyển nhượng sang bên nhận chuyển nhượng đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng tương xứng như đối với trường hợp bên nhận chuyển nhượng là tổ chức kinh tế trong nước, dự thảo Luật chỉnh sửa theo hướng: Nhà nước không thu hồi đất mà giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất theo hình thức không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: VOV |
Bên nhận chuyển nhượng được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của Chính phủ sau khi bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.
Đồng thời không áp dụng quy định thời điểm xác định giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là thời điểm Nhà nước ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất mà giao Chính phủ quy định chi tiết theo hướng bên nhận chuyển nhượng dự án được tiếp tục kế thừa nghĩa vụ tài chính về đất của bên chuyển nhượng.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật quy định theo hướng kế thừa quy định của Luật Đất đai năm 2013, chỉ thu hồi đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ khi là “dự án đầu tư xây dựng khu đô thị.”…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật, đặc biệt là công tác quy hoạch bảo đảm chất lượng, thực sự là công cụ định hướng của Nhà nước phục vụ hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ; khẩn trương đề xuất các quy định về mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất để điều tiết chênh lệch địa tô có được do quy hoạch của Nhà nước.
Quang cảnh phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn |
Đồng thời, nâng cao chất lượng công tác thẩm định dự án đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư; phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; phòng tránh tình trạng tổ chức, cá nhân thu gom đất, cản trở khả năng tiếp cận đất đai của các nhà đầu tư khác có cùng năng lực hoặc năng lực tốt hơn để thực hiện các dự án đầu tư do lợi thế thuộc về người đang có quyền sử dụng đất, các nhà đầu tư khác phải liên doanh, hợp tác với các tổ chức, cá nhân đang có quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư hoặc phải thỏa thuận nhận chuyển nhượng lại đất từ các tổ chức, cá nhân này.
Việc sửa đổi như vậy đòi hỏi rà soát các quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật khác có liên quan, bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật.
Dự thảo Luật quy định theo hướng rõ ràng về nội hàm các phương pháp định giá đất trên cơ sở tổng kết đánh giá thực tiễn thi hành pháp luật đất đai, trong đó quy định cụ thể tại dự thảo Luật các phương pháp định giá đất bao gồm: so sánh, thặng dư, thu nhập, hệ số điều chỉnh giá đất; lồng ghép phương pháp chiết trừ vào phương pháp so sánh; đồng thời quy định các trường hợp, điều kiện áp dụng đối với từng phương pháp định giá đất...
Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, đa số đại biểu bày tỏ đồng tình với Dự thảo Luật. Liên quan thu hồi đất thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ, đại biểu cho rằng, thực tế, trước đây Nhà nước kêu gọi đầu tư, phát triển kinh tế, vận động người dân làm ăn, kinh doanh, làm giàu chính đáng, nhiều người dân, doanh nghiệp muốn kinh doanh đã bàn giao nhiều loại đất khác nhau của mình cho Nhà nước, trong đó có cả đất ở để thuê lại đất sản xuất, kinh doanh; đồng thời tạo việc làm, góp phần quan trọng trong quá trình phát triển của địa phương.
Đến nay khi Nhà nước thay đổi quy hoạch, muốn cải tạo, chỉnh trang đô thị thì cần có cơ chế công bằng, ưu tiên hơn cho họ để có cơ hội tiếp tục đầu tư, phát triển trên chính mảnh đất họ đã giữ gìn, sản xuất, kinh doanh qua nhiều thế hệ. Mặt khác Nhà nước có đủ cơ sở xác định rõ nguồn gốc đất đai của doanh nghiệp. Nếu nguồn gốc đất đai trước khi sản xuất kinh doanh là của chính họ được thừa kế, tặng, cho, nhận chuyển nhượng, cần nghiên cứu thấu đáo vấn đề này.
Về nguồn lực, để cải tạo, chỉnh trang, phát triển đô thị một cách bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển thì nhiều địa phương sẽ không đủ nguồn lực để đền bù, giải tỏa cho doanh nghiệp. Bởi theo dự luật doanh nghiệp đang có quyền sử dụng đất sản xuất, kinh doanh sẽ không được ưu tiên chuyển đổi mục đích sang đất đô thị, đất ở đô thị, đất thương mại dịch vụ. Nên cách duy nhất là Nhà nước phải bỏ tiền ra đền bù và thu hồi đất của họ. Con số này chỉ tính riêng gần 3.000 doanh nghiệp của Bình Dương có thể lên tới hàng trăm tỉ đồng. Cả Nhà nước và doanh nghiệp đều thiệt hại, không thể chủ động mà buộc phải chờ đợi mà chờ đợi càng lâu sẽ mất đi nhiều cơ hội của đất nước.
Góp ý về quy định: trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày ban hành quyết định công nhận kết quả trúng đấu thầu hoặc thời hạn khác theo hợp đồng đã ký kết với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, UBND cấp có thẩm quyền phải thực hiện xong việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư để giao đất, cho thuê đất đối với nhà đầu tư trúng đầu tư.
Đại biểu kiến nghị bổ sung quy định về xử lý trường hợp nếu quá 36 tháng kể từ ngày ban hành Quyết định công nhận kết quả trúng đấu thầu, UBND cấp có thẩm quyền chưa thực hiện xong việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư để giao đất, cho thuê đất đối với nhà đầu tư trúng đấu thầu, vì trên thực tế có trường hợp nhà đầu tư trúng đấu thầu thực hiện đầy đủ nghĩa vụ ứng vốn để thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư, tuy nhiên, thời gian cơ quan chức năng bồi thường, hỗ trợ tái định cư rất lâu, ảnh hưởng đến tiến độ công trình, gây thiệt hại cho chủ đầu tư.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng đưa ra nhiều ý kiến về các vấn đề trọng tâm của dự án luật như: phương pháp định giá đất; các loại đất thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất; mối quan hệ giữa các trường hợp thu hồi đất và thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội không sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn |
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, qua thảo luận, các đại biểu đánh giá cao quyết tâm, tinh thần làm việc trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Kinh tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ để chuẩn bị báo cáo tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo luật. Các đại biểu cũng đánh giá cao nội dung của dự thảo luật thống nhất với nhiều nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý.
Do đây là dự án luật lớn, đồ sộ, phức tạp, nên có ý kiến đại biểu đề nghị cần có Nghị quyết của Quốc hội để hướng dẫn thi hành luật, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan nghiên cứu, khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết, các nội dung cần thể hiện trong Nghị quyết để trình Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, ý kiến của các đại biểu đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ, sẽ được sớm tổng hợp để phục vụ quá trình tiếp thu, giải trình. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các cơ quan liên quan tập trung nghiên cứu, khẩn trương tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện và báo cáo Quốc hội vào phiên họp sáng thứ 5, hoàn chỉnh dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Lan Anh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc