Multimedia Đọc Báo in

Hỗ trợ đổi mới công nghệ: “Đòn bẩy” để nâng cao chất lượng sản phẩm

08:32, 06/06/2024

Hướng đến nền sản xuất bền vững, nâng cao năng suất, giá trị các sản phẩm thế mạnh của địa phương, huyện Krông Ana đã tích cực triển khai, chuyển giao khoa học - kỹ thuật (KHKT), hỗ trợ máy móc, thiết bị tiên tiến để phát triển sản xuất, kinh doanh (SXKD).

Nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn xã Quảng Điền, Bình Hòa… đã và đang áp dụng công nghệ, đưa máy móc hiện đại vào sản xuất. Nhờ đó đã làm ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường, mang lại thu nhập tốt cho người dân và HTX.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhật Minh SXKD sản phẩm lúa gạo tại xã Bình Hòa với diện tích liên kết với thành viên là 300 ha; trong đó có áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP và theo hướng hữu cơ.

Xác định muốn đạt mục tiêu lợi nhuận, nâng cao vị thế thì HTX cần phải tăng năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm gạo để tăng khả năng cạnh tranh, mấy năm trở lại đây, HTX từng bước đầu tư công nghệ, thiết bị tiên tiến trong sản xuất, chế biến gạo an toàn để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường.

Tuy nhiên, sản phẩm gạo làm ra vẫn còn lẫn tạp chất, hạt gạo không đồng đều, giá thành cao, trong khi đó vì nguồn lực có hạn nên việc trang bị máy móc, thiết bị theo hướng hiện đại chưa thể đáp ứng nhu cầu SXKD tại HTX.

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sản phẩm gạo của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nhật Minh ngày càng nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường.

Tháng 10/2023, HTX được hỗ trợ 320 triệu đồng để đầu tư một máy tách màu, phân loại gạo từ Đề án khuyến công “Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong chế biến nông sản”. Máy có công suất 500 - 700 kg/giờ, tách màu tự động tạo ra sản phẩm gạo sạch, chất lượng cao nhờ vào việc loại bỏ gần như hoàn toàn các hạt lỗi có trong thành phần gạo sau khi qua máy sàng gạo. Từ khi đưa máy tách màu, phân loại gạo vào hoạt động đã giúp sản phẩm gạo do HTX làm ra đạt chất lượng cao hơn, có lợi thế để cạnh tranh về giá trên thị trường, đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng đến xuất khẩu.

Thụ hưởng sự hỗ trợ 130 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương năm 2022, Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn (xã Ea Na) đã đầu tư máy đập vỡ hạt, máy phân loại hạt ca cao với quy mô 100 kg nguyên liệu. Ông Trương Ngọc Quang, Giám đốc công ty cho hay, nhờ các máy móc mới đầu tư đã giảm bớt lao động thủ công, cho ra sản phẩm ưu việt hơn hẳn. Hạt ca cao đã được loại bỏ hoàn toàn vỏ, bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Thiết bị sử dụng nhiên liệu bằng điện nên giảm thiểu phát thải độc hại ra môi trường.

Giới thiệu sản phẩm ca cao tại Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn.

Trên địa bàn huyện Krông Ana, công tác hỗ trợ máy móc, thiết bị tiên tiến, áp dụng KHKT vào sản xuất đúng đối tượng, đúng mục đích đã mang lại kết quả tích cực, qua đó tiếp sức, thúc đẩy cho các HTX, cơ sở kinh doanh đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, mẫu mã hàng hóa.

Ông Trần Phước Ku Ba, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện cho biết, trước tác động của việc biến đổi khí hậu và yêu cầu khắt khe của thị trường đặt ra nhiều khó khăn hơn đối với sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Do đó, việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất là tất yếu để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, bảo đảm nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Công tác hỗ trợ máy móc, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHKT được huyện chú trọng triển khai đã góp phần giúp HTX và doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhiều cơ sở đã mạnh dạn đầu tư công nghệ mới vào sản xuất để tạo ra sản phẩm hàng hóa có mẫu mã đa dạng, chất lượng cao, tăng giá trị cạnh tranh, giúp sản phẩm của địa phương từng bước xác lập được vị thế trên thị trường.

Từ hiệu quả thiết thực sau khi triển khai các chương trình, đề án khuyến công, huyện Krông Ana tiếp tục nghiên cứu các đề xuất của doanh nghiệp, HTX, cơ sở SXKD trên địa bàn để tham mưu hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, máy móc hiện đại, cần thiết để phục vụ sản xuất hiệu quả, qua đó tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Mục tiêu là nâng cao chất lượng, phát huy lợi thế nông sản của địa phương, đáp ứng nhu cầu thị trường và tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng hơn để xuất khẩu.

Đến nay, huyện Krông Ana có 6 sản phẩm OCOP đạt 4 sao gồm: Bột ca cao nguyên chất, Kẹo socola sữa, Kẹo socola đen, Bột ca cao 3in1 của Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn (xã Ea Na); Cà phê bột Robusta của Công ty TNHH Ê Đê café (xã Dray Sáp); Gạo Nhật Minh của HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhật Minh (xã Bình Hòa). Riêng sản phẩm bộ quà tặng socola cao cấp (Hương sắc Tây Nguyên) của Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn đang được UBND tỉnh đề nghị Bộ NN-PTNT đánh giá phân hạng sản phẩm 5 sao.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc