Multimedia Đọc Báo in

Niên vụ cà phê 2024 - 2025: Đối mặt nhiều mối lo

08:29, 31/10/2024

Với mức giá tăng gần gấp đôi so với thời điểm năm ngoái, Đắk Lắk bước vào vụ thu hoạch mới với tâm thế vừa mừng, vừa lo. Mừng vì giá cao nhưng nhiều lo ngại về vấn đề an ninh mùa vụ và chất lượng cà phê.

Vui nhưng… lo

Thời điểm này, vườn cà phê của bà Dương Thị Hương (xã Cư Suê, huyện Cư M’gar) đã bắt đầu hái bói, khoảng 1 tháng nữa mới thu hoạch chính. Với diện tích 7 sào, năm nay gia đình dự tính thu về khoảng 6 tấn cà phê tươi, so với mọi năm, năng suất vườn cà phê sụt giảm mạnh. Tuy năng suất không đạt như kỳ vọng, nhưng giá cà phê tăng cao đang mang lại niềm vui cho người trồng. “Hiện nay giá cà phê nhân trên thị trường đang dao động ở mức 110.000 - 111.000 đồng/kg. Nếu mức giá này được giữ vững, người trồng cà phê có thể bù đắp chi phí đầu tư cho những năm trước khi giá xuống thấp”, bà Hương bộc bạch.

Tương tự, gia đình ông Trần Ngọc Cường (xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar), với diện tích 2 sào cũng đang tất bật thu hái những cây cà phê chín bói. Ông Cường cho biết, những ngày gần đây, trên địa bàn thường xuyên có mưa khiến lượng cà phê chín sớm rụng đáng kể. Gia đình ông tranh thủ những ngày nắng ráo để nhặt số cà phê chín sớm nhằm bảo đảm chất lượng khi bán cho thương lái.

Nông dân xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) thu hoạch cà phê. Ảnh: Nguyễn Gia

Nhận thấy giá cà phê tươi hiện đang ở mức cao, trong khi gia đình lại không có điều kiện để phơi khô, ông Cường quyết định bán trực tiếp số cà phê chín sớm cho thương lái với giá thu mua 20.000 đồng/kg. Việc bán cà phê tươi không chỉ giúp gia đình ông tiết kiệm công sức trong quá trình phơi mà còn mang lại nguồn thu nhanh chóng. Giá cà phê hiện nay là mức cao nhất trong nhiều năm qua, khiến gia đình rất vui mừng vì có thêm kinh phí để tái canh vườn cây. Dù giá tăng cao, nhưng gia đình ông vẫn kiên quyết không hái quả xanh, mà chỉ tập trung hái những quả chín 100% để bán với giá tốt nhất.

Tại xã Ea Ktur (huyện Cư Kuin), mặc dù vụ thu hoạch cà phê năm nay chưa chính thức bắt đầu nhưng gia đình bà Trần Thị Lay (ở thôn 12) đang khẩn trương dựng lều để canh giữ, trông coi vườn nhằm hạn chế tình trạng mất trộm. Theo bà Lay, giá nông sản tăng cao khiến nhiều người nảy sinh lòng tham, đặc biệt khi vụ cà phê năm nay đang đến rất gần, là thời điểm mà các đối tượng xấu có thể lợi dụng sơ hở để trộm cắp. Do đó, để bảo vệ vườn cây trong mùa thu hoạch, gia đình bà luôn cảnh giác và phối hợp với hàng xóm để tuần tra thường xuyên, nhất là vào ban đêm.

Tổng diện tích cà phê của xã Ea Ktur hơn 3.220 ha. Công an xã Ea Ktur đang xây dựng kế hoạch, triển khai nhiều giải pháp nhằm duy trì an ninh trật tự (ANTT) cho vụ thu hoạch cà phê năm nay. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ tài sản cho nhân dân thông qua hệ thống loa phát thanh cơ sở và các nền tảng mạng xã hội zalo, facebook… Qua đó, giúp người dân nâng cao cảnh giác trước những phương thức và thủ đoạn của các đối tượng xấu. Đồng thời, lực lượng công an sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát tại những khu vực trọng điểm, khu vực giáp ranh giữa các xã, nhằm ngăn chặn các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật.

Sản lượng sụt giảm

Theo đánh giá của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, niên vụ cà phê 2024 - 2025 đã bắt đầu bước vào vụ thu hoạch, sản lượng cả nước dự kiến khoảng 1,47 triệu tấn, giảm mạnh so với vụ trước do thời tiết bất lợi, nhưng giá sẽ tốt hơn nhiều năm trước. Theo các chuyên gia dự báo, giá cà phê Việt Nam trong cả niên vụ 2024 - 2025 sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao do sản lượng giảm, trong khi lượng tồn kho niên vụ 2023 - 2024 không còn nhiều.

Người dân trên địa bàn huyện Cư Kuin thường xuyên kiểm tra vườn cây cà phê trước khi bước vào thu hoạch chính vụ.
 

"Nông dân không nên có tâm lý giữ hàng đợi giá cao hơn mới bán ra, bởi khi doanh nghiệp không mua đủ số lượng thì họ sẽ đi mua ở các quốc gia khác, khiến giá trong nước giảm, nông dân sẽ bị ảnh hưởng".

 
Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột Trịnh Đức Minh

Tại Đắk Lắk, diện tích cà phê toàn tỉnh đạt khoảng 210.000 ha; sản lượng bình quân đạt hằng năm đạt trên 500.000 tấn nhân. Tuy nhiên, theo nhận định của Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, sản lượng niên vụ 2024 - 2025 có thể giảm từ 5 - 10% so với niên vụ trước. Nguyên nhân là do có hàng nghìn ha cà phê bị khô hạn, thiếu nước trong mùa khô năm 2024 - giai đoạn cây đang nuôi quả, dẫn đến nhiều vườn bị rụng quả non hoặc hạt cà phê nhỏ lại. Bên cạnh đó, diện tích cà phê tiếp tục giảm xuống do nhiều nông dân trồng xen hoặc chuyển sang trồng một số loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao cũng làm giảm đáng kể sản lượng cà phê của tỉnh trong niên vụ này.

Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cho rằng, giá tăng cao là yếu tố rất phấn khởi cho bà con nông dân, tuy nhiên điều này cũng tạo áp lực không nhỏ cho vấn đề an ninh mùa vụ. Do đó, các hộ cần liên kết với nhau để bảo vệ vườn cây, đồng thời chính quyền địa phương cũng cần có giải pháp hỗ trợ nông dân trong vụ thu hoạch, nhất là có biện pháp hành chính/chế tài cụ thể đối với những nơi thu mua quả xanh để hạn chế việc hái trộm bán trái xanh đầu vụ hoặc một số hộ hái sớm để mong bán với giá tốt gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và sức khỏe vườn cây.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN-PTNT), để bảo đảm cho việc thu hoạch, chế biến và tiêu thụ đạt hiệu quả cao, các địa phương cần lập kế hoạch hỗ trợ người dân bảo vệ nghiêm ngặt diện tích cà phê đến kỳ thu hoạch; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân không thu hái cà phê xanh, khi tỷ lệ cà phê chín đạt trên 85% mới thu hái để bảo đảm chất lượng và không làm mất thương hiệu ngành hàng cà phê Buôn Ma Thuột. Đồng thời, các địa phương trồng cà phê cần có đường dây nóng để người dân kịp thời phản ánh các vấn đề liên quan đến vụ thu hoạch cà phê mới; hướng dẫn người dân chuẩn bị sân phơi, máy sấy đề phòng trường hợp thời điểm thu hoạch có mưa kéo dài ảnh hưởng đến chất lượng cà phê…

Minh Thuận - Thúy Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.