Quy định diện tích xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp: Tạo thuận lợi cho người dân
Vừa qua, tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Quy định diện tích đất nông nghiệp sử dụng để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp (gọi tắt là công trình) trên địa bàn tỉnh. Quy định này được đánh giá sẽ tạo thuận lợi cho người dân trong hoạt động sản xuất, đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp.
Quy định hợp lý, rõ ràng
Luật Đất đai 2024 (khoản 3, Điều 178) quy định, người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để sử dụng đất kết hợp đa mục đích. Chủ đất được sử dụng một diện tích đất theo quy định của UBND cấp tỉnh để xây dựng công trình.
Căn cứ theo các quy định trên, ngày 31/10/2024, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có Quyết định 47/QĐ-UBND quy định diện tích đất nông nghiệp sử dụng để xây dựng công trình dựa trên tình hình thực tế tại địa phương (áp dụng từ ngày 11/11/2024).
Quy định về diện tích để xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp sẽ tác động tích cực đến công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp. Ảnh: Chiến Thắng |
Theo quy định của tỉnh, điều kiện sử dụng đất nông nghiệp để xây dựng công trình là thửa đất hoặc khu đất đã được cấp một trong những loại giấy: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc một trong các giấy tờ quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, Điều 137, Luật Đất đai 2024 và còn thời hạn sử dụng đất; khu đất nông nghiệp đang sử dụng bao gồm một hoặc nhiều thửa đất liền kề của cùng người sử dụng đất, có diện tích từ 500 m2 trở lên; không thuộc đất xây dựng các công trình, khu vực có hành lang bảo vệ an toàn.
Công trình gồm nhà nghỉ, lán, trại để phục vụ người lao động, phục vụ sơ chế, bảo quản nông sản, chứa thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, máy móc, dụng cụ lao động, trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, có quy mô cấp IV, 1 tầng, dễ dàng tháo dỡ. Khu đất có diện tích từ 500 m2 đến dưới 3.000 m2, được xây công trình không quá 30 m2; đất từ 3.000m2 đến dưới 5.000 m2, được xây dựng công trình không quá 50 m2; đất từ 5.000 m2 đến dưới 10.000 m2, được xây công trình không quá 75 m2; khu đất diện tích từ 10.000 m2 trở lên, được xây dựng công trình không quá 100 m2. Các công trình có thể được xây dựng tại nhiều vị trí nhưng không vượt quá diện tích nêu trên.
Cá nhân, cộng đồng có nhu cầu xây dựng công trình có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến UBND cấp xã nơi có đất về diện tích, vị trí, số lượng, mục đích xây dựng công trình; chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng thiết kế, an toàn công trình và thực hiện xây dựng đúng với nội dung thông báo với chính quyền.
Quy định mới của tỉnh sẽ góp phần nâng cao giá trị đất nông nghiệp, hạn chế tình trạng bỏ hoang đất canh tác. Ảnh: Nguyễn Gia |
Người dân đồng thuận
Nhiều ý kiến cho rằng, quy định mới của tỉnh sẽ tháo gỡ được vướng mắc cho người dân cũng như chính quyền địa phương trong quản lý đất đai, xây dựng. Cụ thể, điều này sẽ giúp nâng cao giá trị đất nông nghiệp, hạn chế tình trạng bỏ hoang đất canh tác. Người dân có thể sử dụng đất nông nghiệp kết hợp với mục đích kinh doanh, góp phần tăng thêm thu nhập.
Luật Đất đai 2024 quy định 7 loại đất được sử dụng kết hợp đa mục đích, trong đó đất nông nghiệp được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu. Tuy nhiên, việc sử dụng đất kết hợp đa mục đích phải đáp ứng các yêu cầu như: không làm thay đổi loại đất theo phân loại đất theo Luật Đất đai 2024; không làm mất đi điều kiện cần thiết để trở lại sử dụng đất vào mục đích chính. |
Chị Trần Thị Hoàng (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, gia đình chị có mảnh vườn diện tích hơn 1.000 m2 tại xã Hòa Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) để trồng rau xanh và chăn nuôi. Lâu nay, chị muốn làm căn nhà nhỏ để nghỉ ngơi và chứa nông cụ làm vườn, nhưng chưa có quy định nên không dám làm, khiến việc sản xuất rất bất tiện và phải thường xuyên đi lại từ nhà đến vườn. Hiện nay, đã có quy định cụ thể của tỉnh, chị yên tâm xây dựng nhà tạm để việc canh tác thuận lợi hơn.
Bà Đinh Thị Danh, Giám đốc Hợp tác xã Nấm linh chi và dịch vụ nông nghiệp Krông Ana cho biết, xây dựng các công trình nhà nghỉ, lán, trại cho người lao động, công trình phục vụ sơ chế, bảo quản nông sản, trưng bày… là nhu cầu thực tế của những người làm nông nghiệp. Quy định của tỉnh sẽ giúp các cá nhân, tổ chức thuận lợi hơn nhiều trong việc xây công trình thiết yếu, thiết thực phục vụ sản xuất và sẽ hạn chế tiêu cực trong lĩnh vực xây dựng. Tuy nhiên, với những đơn vị nuôi trồng, sản xuất, nếu diện tích trại, nơi sơ chế được cho phép xây diện tích tối thiểu 100 – 500 m2 thì sẽ thuận lợi hơn nhiều.
Dưới góc độ quản lý nhà nước, việc cho phép xây dựng công trình để phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp sẽ giải quyết được bài toán xây dựng trái phép. Đồng thời, quy định đưa ra các hạn mức xây dựng công trình cũng hạn chế được tình trạng phân lô bán nền trên đất nông nghiệp. Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra là các địa phương cũng phải kiểm soát để việc xây dựng công trình không bị "biến tướng". Theo ông Phan Thanh Dũng, Chủ tịch UBND phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột), quy định của UBND tỉnh về diện tích đất nông nghiệp sử dụng để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp có những nội dung rất rõ ràng, cụ thể từ trách nhiệm của cá nhân, cộng đồng dân cư đến UBND cấp xã, huyện. Trách nhiệm của UBND cấp xã là thống kê, tổng hợp, theo dõi, kiểm tra việc xây dựng công trình; xử lý người sử dụng đất vi phạm theo thẩm quyền và đúng quy định. Với quy định này, việc thực hiện trong thực tế sẽ dễ dàng, tạo thuận lợi cho công tác quản lý về đất đai, xây dựng của địa phương. Quy định mới ban hành nên địa phương chưa ghi nhận người dân đến đăng ký xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Thời gian tới, phường sẽ tăng cường quản lý về lĩnh vực này, sau một thời gian mới có đánh giá đầy đủ về hiệu quả, cũng như những vấn đề phát sinh của quy định này.
Xây dựng các công trình nhà nghỉ, lán, trại cho người lao động, công trình phục vụ sơ chế, bảo quản nông sản, trưng bày… là nhu cầu thực tế của người làm nông nghiệp. Ảnh: Minh Thuận |
Trong quá trình xây dựng quy định này, các cơ quan chức năng của tỉnh đều có quan điểm là quy định phải mở ra tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, các ngành, địa phương cũng cần tăng cường công tác quản lý nhà nước bằng cách thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ để tránh những trường hợp lợi dụng quy định để sử dụng đất trái mục đích, phá vỡ quy hoạch của địa phương.
Để quy định được triển khai hiệu quả trong thực tiễn, UBND tỉnh yêu cầu trong quá trình thực hiện, trường hợp có khó khăn, vướng mắc thì các sở, ngành, UBND cấp huyện, xã, người sử dụng đất và các tổ chức, cá nhân liên quan kịp thời phản ánh bằng văn bản về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo nhằm sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Minh Chi
Ý kiến bạn đọc