Giọt cà phê Ban Mê...
Đó là giọt vừa cổ điển như tiếng cồng chiêng mùa lễ hội của già làng Y Ba vọng vang trong ngôi nhà rông, như hoa văn tấm áo em mang trong “mùa con ong đi lấy mật, mùa con voi xuống sông hút nước”; vừa hiện đại như lời em hát “ly cà phê không muốn nói”, như cơn say trong men rượu cần ấm nồng, như bước chân trần của những thiếu nữ uyển chuyển trong vòng xoang theo nhịp cồng chiêng, như bức tượng nhà mồ với ánh mắt hồn nhiên...
Giọt cà phê Ban Mê rơi trong sương sớm như sự rơi của thức tỉnh. Mờ sớm, sương đang còn phủ kín núi đồi Buôn Ma Thuột. Ta mặc áo, mang giày đi bộ kiếm một quán cà phê lưng chừng đồi. Trong sương, bỗng dưng hương cà phê nồng nàn đến ngợp hồn thoảng ngay trước mũi, nhận ra mình vừa được cô chủ quán bưng cho tách cà phê. Chậm rãi khuấy tách cà phê ấm nóng rồi tận hưởng. Đầu tiên là cảm giác giọt cà phê Ban Mê đậm đặc đang lan tràn đặc quánh trên đầu lưỡi. Rồi từ cái đặc quánh đó, vị cà phê nguyên thủy nồng nàn lan chầm chậm lên mũi, lên mắt, tỏa trong đôi tai rồi thăng thiên lên chân tóc. Hương vị đắng ngọt đậm đà và thơm lạ lùng khiến ta nhắm mắt...
Buổi sáng, hương cà phê khiến ta bừng tỉnh, lòng hân hoan, phấn chấn trong làn gió ban mai mát rượi. Ta ngồi nhâm nhi tách cà phê, cảm nhận sương đang tan loãng đi, và nhận ra nhiều điều.
Giọt cà phê Ban Mê như có những điệu rơi.
Giọt rơi trong sương chiều. Rơi trong “bon” của người M’nông, rơi trong “buôn” của người Êđê, rơi trong “plai” của người J’rai, rơi trong “veil” của người Cơ Tu… Giọt cà phê rơi trong ánh chiều là rơi về nỗi nhớ ký ức đại ngàn. Tây Nguyên, nơi ấy ngoài rừng còn có làng. Rừng Tây Nguyên biết vui buồn, khổ đau, hạnh phúc. Làng Tây Nguyên biết kể khan, biết múa, biết choàng vai vít cần rượu, biết cố kết cộng đồng qua bao mùa, qua nắng qua mưa.
Pha chế cà phê. Ảnh: Hoàng Gia |
Giọt rơi trong đêm. Đêm đen huyền và giọt cà phê ấm nồng. Giọt cà phê đặc như đêm mật ong, thơm màu đen nhánh, thơm mùi nhựa rừng nguyên sinh, và như có âm vang.
Giọt cà phê Ban Mê rơi trong tiếng chiêng. Chiêng vang vọng niềm linh thiêng vào cuộc sống, khiến con người cảm thấy đang ở trong không gian thanh cao, huyền ảo; thì giọt cà phê cũng dâng hương linh thiêng trong mỗi ngụm nhấp môi ban sáng, như một nghi lễ đầu ngày.
Giọt cà phê Ban Mê rơi trong chum rượu cần đêm hội múa xoang Giẻ Triêng. Men rượu cần làm say lòng ai, không phải chỉ men, còn là ủ mật của hương rừng, đượm tình của yêu thương đồng bào. Khi cần rượu trên chiếc chóe cổ ngấm men lúa được nồng nàn vít xuống, là lúc cõi lòng mở ra những niềm yêu thiết tha. Những chàng trai, cô gái Tây Nguyên uống dòng nước nguồn của những con sông Krông Ana, Sêrêpốk, Đa Dâng, Đa Nhim, Krông Nô… không thể lớn lên nếu rời bỏ cội nguồn. Men ấy còn là men nguồn cội, men gốc rễ lửa sống được trao truyền giữa đại ngàn.
Trong đôi mắt màu nâu cà phê Ban Mê ánh lên giấc mơ trở về đại ngàn hùng vĩ ngày xưa. Những chàng trai vạm vỡ ngắt chiếc lá làm khèn đinh puốt, thổi lời tỏ tình bên suối. Tiếng con chim Tia Chôm, chim Chơ rao, chim Kơ púc bay về núi xa. Chiều chiều tiếng lục lạc reo cùng bước chân trâu thong thả về buôn làng. Đêm bên bếp lửa rừng vẫn nghe trong thung xa tiếng con nai, con mang tác gọi bầy, tiếng đàn tre đẩy nước ngoài bến sông... Ơi giọt cà phê Ban Mê nhắc những ngày xưa đã lùi xa. Những người già trong các buôn làng đang dần dần ra đi, bỏ lại phía sau những khoảng trống không thể bù đắp. Sợi dây thắt chặt cộng đồng văn hóa đang lơi, đang tuột dần theo nhịp sống hiện đại. Bên bậc cầu thang, có người ngậm tẩu trong sương mà lòng nao nao buồn nhớ tháng ngày xưa đã qua, suy tư và lo âu khi đang chứng kiến những biến động theo chiều mai một dần của văn hóa cổ truyền.
Hồ Đăng Thanh Ngọc
Ý kiến bạn đọc