Multimedia Đọc Báo in

Cùng tìm hiểu tiếng Việt

“Chết” và “hi sinh”

06:55, 19/09/2021

Trong tiếng Việt, hai từ “chết” và “hi sinh” lâu nay thường được sử dụng trong những ngữ cảnh và thể hiện sắc thái khác nhau. Trên thực tế, nghĩa gốc và đầy đủ của từ “hi sinh” không phải ai cũng hiểu rõ.

Từ “hi sinh” là từ Hán - Việt. Tra cứu một số từ điển Hán - Việt thấy giải nghĩa: “Hi” là con vật thuần sắc dùng để cúng tế; “sinh” là con vật sống dùng để hiến tế. Người ta dẫn câu chuyện vua Thang bên Trung Quốc lập đàn tế trời, tự mình phủ phục trước đàn làm con vật tế trời để cho lời cầu khấn được linh nghiệm! Các sách chép về nghi lễ hiến tế có nhắc đến lễ “Tỉnh sinh” (giết con vật tế thần linh) trước khi làm lễ tế, trong đó phần “tỉnh” là coi xét, xem xét; phần “sinh” là cách thức giết. Trước khi giết con vật để tế thì phải đem con vật đến sân đình, miếu để xem nó có còn sống không; có thuần một màu lông không; có dị tật gì không... “Hi” kết hợp với “sinh” có nghĩa là con vật dùng để hiến tế, là nghĩa gốc ban đầu của từ “hi sinh”.

 

Cuốn từ điển Hán – Việt của học giả Đào Duy Anh xuất bản năm 1932 chú giải: “Hi sinh: Súc vật dùng để tế trời đất; Bỏ cả tự do, quyền lợi và sinh mệnh của mình mà làm một việc gì”. Còn Từ điển Tiếng Việt – Viện Ngôn ngữ học 1992 chú giải: “Hi sinh: 1. Nhận về mình một cách tự nguyện sự mất mát lớn lao nào đó, vì một cái gì cao đẹp; 2. Chết vì nghĩa vụ, lý tưởng cao đẹp”.

Về ý nghĩa “Chết vì nghĩa vụ, lý tưởng cao đẹp”, trước đây chúng ta thường dùng từ “hi sinh” để chỉ cái chết của các anh hùng liệt sĩ trong chiến tranh chống kẻ thù xâm lược. Ngày nay được mở rộng ra đối với những người có hành động dũng cảm, những người đang làm nhiệm vụ vì cuộc sống của nhân dân, vì lợi ích của đất nước không may qua đời... 

Như vậy, cùng với dòng chảy lịch sử, từ “hi sinh” của tiếng Hán được tiếng Việt vay mượn và sử dụng với nhiều nội dung mới, đặc biệt là nội dung: “Chết vì nghĩa vụ, lý tưởng cao đẹp”.

Ngôn ngữ là dấu ấn của đời sống. Những cuộc đấu tranh, kháng chiến giành và giữ nền độc lập dân tộc suốt chiều dài lịch sử đã xuất hiện biết bao tấm gương cao cả của lớp lớp thế hệ người Việt Nam hiến dâng tính mệnh của mình cho Tổ quốc mà không hề suy tính. Phải chăng đây chính là tiền đề để từ “hi sinh” được mang thêm nghĩa mới như đã nêu trên?

Thế Nhân


Ý kiến bạn đọc