Ngắm những ngôi nhà xưa Tây Nguyên
Với 70 bức ảnh giới thiệu về những ngôi nhà truyền thống của các dân tộc Êđê, M’nông, Jarai, Cil, Bana… Bảo tàng Đắk Lắk mong muốn mang lại cho du khách cái nhìn tổng quan về những ngôi nhà xưa ở Tây Nguyên, qua đó góp phần nâng cao ý thức giữ gìn và phát huy giá trị vốn kiến trúc độc đáo này trong đời sống đương đại.
Ông Đinh Một - Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk cho hay, những tác phẩm được giới thiệu trong chuyên đề “Những ngôi nhà xưa ở Tây Nguyên” chủ yếu được số hóa từ những thước phim âm bản, dương bản của nhà nhân chủng học người Mỹ - Joseph Michel Carrier (1927 - 2020) ghi lại trong thời gian làm việc cho Tập đoàn RAND (Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển tại Tây Nguyên) từ năm 1962 đến năm 1973.
Ngoài ra, triển lãm còn sử dụng một số hình ảnh, hiện vật của Bảo tàng Đắk Lắk và các tác giả khác như nhà dân tộc học người Pháp Jean Marie Duchange, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tây Nguyên Tấn Vịnh (Bảo tàng Quảng Nam).
Khách tham quan, thưởng lãm chuyên đề “Những ngôi nhà xưa ở Tây Nguyên” tại Bảo tàng Đắk Lắk vào những ngày đầu tháng 10-2021. Ảnh: Hồng Sâm |
“Triển lãm chuyên đề “Những ngôi nhà xưa ở Tây Nguyên” được Bảo tàng Đắk Lắk khai mạc trực tuyến từ đầu tháng 9 vừa qua. Theo dự kiến, khi dịch bệnh COVID-19 được khống chế và kiểm soát, Bảo tàng sẽ mở cửa đón khách tham quan, thưởng lãm chuyên đề trên”. ông Đinh Một - Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk.
|
Triển lãm chuyên đề trên giúp du khách nhận biết và hiểu thêm đời sống của các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên xưa. Họ sinh sống trong những ngôi nhà sàn truyền thống và mỗi dân tộc có mỗi kiểu nhà sàn đặc trưng riêng, thể hiện sinh động nét văn hóa giàu bản sắc của mình.
Nhà sàn là cách gọi chung cho lối kiến trúc nhà ở của cộng đồng các dân tộc ở đây với vật liệu thân thiện, gần gũi với thiên nhiên như gỗ, mây, tre, nứa, lá… được lấy từ rừng. Tuy nhiên, không phải vì thế mà những ngôi nhà sàn của họ trở nên tạm bợ, mà ngược lại hết sức bền chắc và mỹ thuật.
Từ những bức ảnh cho thấy cách thức kết nối dầm, sàn, khung cột, mái lợp đều rất khoa học và đạt tới “tỷ lệ vàng” nhất định trong kiến trúc, xây dựng. Đặc biệt, ngôi nhà sàn của các tộc người trên hoàn toàn không có bất kỳ vật liệu hiện đại nào góp mặt (như đinh, ốc hay sắt thép), mà nó được dựng nên một cách chắc chắn bằng mộng, miệng, ngàm, chốt cực kỳ hài hòa và tinh xảo hệt như kiến trúc ngôi nhà rường thuần Việt ở miệt đồng bằng.
Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên, điều thú vị ở đây là từ kiến trúc hiện hữu của những ngôi nhà sàn ấy đã làm đảo lộn quan niệm về đời sống “du canh, du cư” của họ từ bao đời nay.
Bức ảnh giới thiệu căn nhà rông đặc trưng của người Ba Na, Xê đăng. Ảnh: Bảo tàng Đắk Lắk |
Gần đây, vào đầu năm 2019 - trong công trình nghiên cứu, khảo sát độc lập về “Chính sách và sự biến đổi văn hóa, sinh kế của các tộc người thiểu số” trên địa bàn cả nước, trong đó có khu vực Tây Nguyên (do Oxfam và tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam tài trợ), nhóm nghiên cứu văn hóa Hoàng Cầm và Phan Quỳnh Phương (Viện nghiên cứu Xã hội - Kinh tế và Môi trường) đã đánh giá rằng: Cứ nhìn vào những ngôi nhà sàn được xây dựng hết sức công phu, bề thế ấy sẽ minh định rõ một điều, họ chưa bao giờ du cư; còn du canh thì đó là cách hiểu không đầy đủ và chính xác, bởi họ vẫn cư trú ổn định trên ngôi nhà sàn cùa mình, trong một làng/ buôn/ bon được kiến tạo theo chỉnh thể thống nhất: nhà ở gắn với bến nước, rừng đầu nguồn (rừng thiêng) và rừng sản xuất. Người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên canh tác trên vùng rừng này theo phương thức quảng canh - có nghĩa là họ canh tác một thời gian rồi bỏ, chờ đến khi rừng phục hồi (10 – 15 năm) thì quay trở lại.
Nên nhớ, rừng sản xuất được họ “quy hoạch” không bao giờ xa nơi ở của mình nửa ngày đi bộ, nhờ thế cho đến nay các tộc người tại chỗ ở Tây Nguyên mới để lại cho hậu thế nhiều làng/ buôn/ bon có tuổi đời hàng trăm năm, trong đó nổi lên những ngôi nhà sàn có lối kiến trúc đặc thù, tiêu biểu và giàu bản sắc.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc