Multimedia Đọc Báo in

Cần lắm những mảng đô thị xanh

12:14, 14/11/2021

Trước diễn biến ngày càng phức tạp về biến đổi khí hậu, đặc biệt là những sự cố khủng hoảng như đại dịch COVID-19, các đô thị cần có các giải pháp liệu phòng nào để an toàn?

Câu hỏi này được đặt ra tại Hội thảo “Đô thị hóa Việt Nam trước những thách thức mới của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh” do Bộ Xây dựng, Hiệp hội các đô thị Việt Nam, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Diễn đàn đô thị Việt Nam vừa phối hợp tổ chức tại Hà Nội như là một gợi ý nghiêm túc cho các đô thị vùng miền xem xét, đánh giá lại thực trạng đang phát triển.

Dẫn đề hội thảo, kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, đại dịch COVID-19 bắt đầu từ cuối năm 2019 đến nay đã và đang ảnh hưởng đến hầu hết đô thị ở Việt Nam, là "phép thử" làm bộc lộ nhiều hạn chế của các đô thị về ứng phó dịch bệnh. Đó là trong quy hoạch và sử dụng đất chưa tách biệt các hoạt động bình thường và có nguy cơ; chưa dự trữ đất cho các dự án liên quan đến phòng, chống dịch như bệnh viện dã chiến, khu cách ly... Quy hoạch, quản lý chất thải y tế và rác thải sinh hoạt còn bất cập. Mạng lưới y tế cơ sở, một chức năng thiết yếu của quy hoạch đô thị lại phân bố không đồng đều tại các đô thị, ở trung tâm thì dày đặc, vùng xa lại mỏng, thiếu và yếu.

Đường Đam San - một tuyến đường rợp bóng cây xanh tại TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Hoàng Gia

Đáng quan tâm là không gian công cộng, không gian xanh, công viên, khu vui chơi giải trí, những “nơi trú ẩn” an toàn cho người dân chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tiễn. Các công trình cao tầng ở đô thị chưa tích hợp các tiêu chuẩn y tế vào thiết kế, như yêu cầu hệ thống điều hòa không khí và thông gió, hành lang chung, hệ thống cấp thoát nước, quản lý chất thải, làm sạch và khử trùng nội bộ… Các đô thị lớn lộ rõ nhược điểm thiếu các mảng đô thị xanh vệ tinh, giúp giãn dân ra khỏi khu vực nội đô chật chội.

Ông Chính và các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc các đô thị Việt Nam cần tăng "sức đề kháng" với hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phát triển theo hướng văn minh, hiện đại; bảo đảm các tiêu chuẩn quy hoạch và thiết kế đủ yêu cầu về hệ số sử dụng đất, gồm tỷ lệ diện tích sàn (FAR), mật độ xây dựng và tỷ lệ không gian xanh. Kể cả các đô thị nhỏ, cũng phải lồng ghép các giải pháp sức khỏe đô thị vào kế hoạch phát triển; với các chỉ tiêu quy hoạch về mật độ dân số, nhà ở, môi trường, ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao chất lượng và dịch vụ y tế, gia tăng các mảng đô thị xanh có khả năng ứng phó dịch bệnh… Xuất phát từ yêu cầu “giãn cách xã hội”, các mô hình đô thị mới vừa phải tổ chức lại không gian đô thị, thêm những mảng không gian cho cây xanh và cho cộng đồng; vừa phải thay đổi vai trò chính quyền đô thị, kinh tế đô thị, thói quen đi lại, sử dụng phương tiện giao thông…

Một cảnh báo của các chuyên gia, kiến trúc sư quy hoạch là chính các đô thị cao nguyên hiện nay rất cần quan tâm đến những mảng xanh. Kiến trúc sư Hoàng Sừ nhìn nhận, câu chuyện thu hẹp các mảng xanh ở một đô thị nổi tiếng thơ mộng như Đà Lạt đang là nỗi lo lớn. Không gian xanh ở các đô thị tưởng chừng rất đậm chất thiên nhiên này một khi bị giảm thiểu sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến bức tranh biến đổi khí hậu và khả năng ứng phó dịch bệnh trong tương lai cho cộng đồng cư dân.

TP. Buôn Ma Thuột đang có những chuyển động tích cực về bố trí, quy hoạch các khu đô thị mới ra ngoại ô, hình ảnh những mảng đô thị xanh có chất lượng cuộc sống tốt hơn và khả năng ứng phó hữu hiệu hơn trước diễn biến phức tạp của thiên tai, dịch bệnh. Khu vực phía bắc đô thị này đã hình thành nhiều dự án đô thị với tiêu chí sinh thái, mật độ cây xanh, công viên, hạ tầng văn hóa được bao phủ tốt hơn.

Tuy nhiên, điều đó vẫn đòi hỏi nhà quy hoạch phải nhận diện đúng về tính liên kết môi trường giữa các đô thị mới này với vành đai xanh của rừng núi, nông thôn bao quanh; với mạng lưới giao thông ngày càng mở rộng, mật độ xe cộ, điện hóa trong sinh hoạt, cột viễn thông, diện tích tấm năng lượng mặt trời… ngày càng tăng thêm. Nhất là rác thải đô thị, nỗi lo và bức xúc đã đe dọa nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, giờ đã trở thành áp lực thường trực cho chính người dân Buôn Ma Thuột.

Tỷ lệ “xanh hóa” tại đô thị cao nguyên phải được tính toán chi tiết và hữu dụng hơn. Đây không chỉ là màu xanh cây lá, mà còn là màu xanh của việc phối bố trí cây xanh vào trong các công trình nhà ở, chọn cây xanh phù hợp các trục đô thị, giao thông, cảnh quan…; và đặc biệt là ý thức “sống xanh” trong cộng đồng dân cư, khi mọi người phải tuân thủ tốt hơn các yêu cầu dịch tễ an toàn, tăng chất lượng khí thở, thực phẩm, nhịp điệu sinh hoạt hướng đến định vị những mảng đô thị xanh bền vững.

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.