Hình bóng già làng
Già làng được cộng đồng tôn trọng và xem như bóng cây to trong mỗi buôn/bon/làng của người Tây Nguyên. Họ nắm giữ và chi phối mọi hoạt động trong đời sống mỗi tộc người. Bao giờ vai trò của già làng cũng luôn được đề cao, vì sao?
Để trả lời câu hỏi này, cần hiểu rõ tổ chức xã hội cổ truyền của các tộc người bản xứ ở đây. Trong tâm tưởng của người dân tộc thiểu số tại chỗ thì làng là đơn vị xã hội cơ bản và duy nhất. Trong tác phẩm nghiên cứu rất công phu và đặc sắc: “P’tao - Một lý thuyết về quyền lực của người Jarai ở Đông Dương” (đăng trên chuyên san Viễn đông Bác cổ năm 1934), nhà Tây Nguyên học Jacques Dournes đã chỉ ra: Trong ngôn ngữ các dân tộc Tây Nguyên không có từ nào để chỉ đơn vị hành chính cao hơn làng. Đơn vị cơ bản và duy nhất ấy, người Jarai hay Bana gọi là Plei, người Êđê gọi là buôn, người M’nông gọi là bon và người Cơ tu gọi là veil…
Theo Jacques Dournes, trong xã hội cổ truyền Tây Nguyên cũng không có đơn vị nhỏ hơn làng - và ở đây do ý thức về cá nhân chưa phát triển, nên không có cá nhân độc lập đối với làng. Mọi thành viên trong cộng đồng là một bộ phận gắn bó với làng và không bao giờ quên làng. Điều này được thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ (Trưởng Phòng Quản lý văn hóa - Sở VH-TT-DL Gia Lai) chứng thực và chia sẻ sau những chuyến điền dã tại những plei/làng của người Jarai hoặc người Bana - rằng khi gặp một ai đó, bạn hỏi: Anh tên gì, thì phản xạ tự nhiên khiến họ trả lời: Tôi ở làng A hoặc B. Gặng hỏi tiếp, khi ấy họ mới cho biết mình tên Y hay X. Chứng tỏ làng đối với người dân tộc thiểu số ở đây là “máu thịt” chan hòa - và nếu bảo người Tây Nguyên có tính cộng đồng rất sâu đậm, thì thuộc tính đó trước hết thuộc về làng, sau đó mới đến dân tộc…
Già làng là người có uy tín, tiếng nói trong buôn làng. Ảnh: Hữu Hùng |
Làng được điều hành bằng một tổ chức đặc biệt là “Hội đồng già làng” được người dân chọn lựa và bầu lên. Già làng là những người có tài năng, đức độ nhất của làng; họ am hiểu tường tận mọi việc liên quan đến đời sống cộng đồng - từ đất rừng, luật tục, phong tục tập quán, kinh nghiệm sản xuất… đến đối nội và đối ngoại. Theo TS. Nguyễn Trường Giang (Viện nghiên cứu Xã hội - Kinh tế và Môi trường), chính nhờ đặc điểm xã hội này mà làng của người Tây Nguyên có sức sống vô cùng bền vững, có khi đến kỳ lạ. Dù trải qua các biến động của lịch sử - xã hội như chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh… khiến làng bị tổn thương, xáo trộn, thậm chí bị xé nát, nhưng rồi cộng đồng làng nhanh chóng được khôi phục, hồi sinh là nhờ vào vai trò của già làng.
Anh A Mang, Phó Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cư M’gar từng trải nghiệm và chia sẻ về điều đó. Năm 1972, làng của anh nằm cạnh thị tứ Đắk Tô - Kon Tum bị bom đạn của Mỹ cày nát, cộng đồng người Sê đăng này phải tứ tán khắp nơi, cuối cùng họ đến lập làng mới Kon Hring nằm dưới chân núi Cư Dliê M’nông như bây giờ. Những năm tháng mới đến đây, khó khăn chồng chất, nhưng họ đã nỗ lực vượt qua nhờ sự dẫn dắt của những già làng có uy tín như A Nép, Anít, A Blôi… Họ như bóng cây to che chở, tập hợp dân làng nhanh chóng tạo lập cuộc sống mới khá đầy đủ và sung túc như ngày nay. A Mang chắc rằng, nếu không có những già làng đáng kính ấy thì làng Kon Hring của anh khó có thể khôi phục và hồi sinh như bây giờ.
Thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, một trong những yếu tố đưa sự nghiệp cách mạng đến thành công là công tác vận động quần chúng, đặc biệt ở khu vực Tây Nguyên được dựa trên kinh nghiệm, sự hiểu biết sâu xa vào đặc điểm xã hội đặc trưng này. Ở đó, vai trò của già làng không ngừng được phát huy trong mọi việc, mọi tình huống để góp phần vào thắng lợi chung. Điều cốt yếu ấy, theo TS. Nguyễn Trường Giang, cần phải quan tâm và phát huy tốt hơn nữa trong giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội hiện nay trên địa bàn Tây Nguyên nói riêng và những vùng miền khác trên cả nước nói chung.
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc