Nghề rèn của người Tà Riềng
Cũng như đa số đồng bào dân tộc thiểu số vùng Trường Sơn – Tây Nguyên, với tộc người Tà Riềng (một nhóm địa phương thuộc dân tộc Giẻ-Triêng), nghề rèn chiếm một phần rất quan trọng trong sinh hoạt và cuộc sống hằng ngày.
Hằng năm, cứ trước mùa phát rẫy chuẩn bị gieo trồng lúa rẫy, khoảng từ tháng 4 đến tháng 5, đàn ông dân tộc Tà Riềng lại đốt lửa lò rèn. Khi rèn thì quặng và sắt cho vào nung đỏ rực rồi đem nhúng vào nước, nhiệt độ giảm đột ngột làm cho sắt non hơn để dễ đập thành từng dụng cụ. Sau đó, người thợ phải hình dung được dáng dấp của từng công cụ, rồi dùng đột và búa cắt thành hình công cụ cần rèn. Khi cắt xong từng công cụ, người thợ tiếp tục bỏ vào lửa nung, rồi lại đập cho đến khi nào thành sản phẩm. Mỗi lần đập búa bao giờ cũng một mạnh, một nhẹ để tạo nên sự chính xác nơi nện búa. Tất cả công đoạn đối với nghề rèn của đồng bào Tà Riềng chủ yếu dựa vào sức người là chính.
Kỹ thuật rèn của người Tà Riềng không được ghi chép bài bản, mà chủ yếu do người thợ nhớ trong đầu rồi người đi trước truyền lại cho người đi sau. Ngoài các công đoạn đập, mài, dũa... thì người thợ rèn Tà Riềng có một cách tôi thép riêng biệt. Họ lấy vỏ của con cua đá hoặc mai của con rùa bắt ở suối giã nát trộn chung ngâm với nước mưa để tôi nhúng sắt mỗi khi chuẩn bị cho ra lò một dụng cụ nào đó. Theo quan niệm của đồng bào, làm như vậy thì những con dao, cái rựa, cái rìu... làm ra sẽ được bóng như vỏ con cua, láng như cái mai của con rùa, vật dụng thêm bền đẹp.
Một người thợ rèn Tà Riêng đã ngoài 70 tuổi, vẫn gắn bó với nghề |
Khi những vật dụng rèn xong, người thợ sẽ dũa những đoạn bị mẻ, sứt hoặc chưa đều, rồi tiếp tục lấy đá để mài thật kỹ cho đến khi dụng cụ sắc hơn và bong ra một lớp trắng ở đầu lưỡi mới thôi. Công đoạn mài không hề đơn giản, đòi hỏi người thợ phải mài thật tỉ mỉ và khéo léo thì dụng cụ mới bén như ý muốn. Cuối cùng là công đoạn tra cán vào dụng cụ.
Trong nghề rèn của người Tà Riềng, từ cách nhóm lò, chọn than cho đến cách đặt bếp cũng phải có kỹ thuật. Lò rèn của người Tà Riềng ở huyện vùng cao Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) được đắp bằng đất, mặt lò võng xuống để có thể cho than vào. Ðặc biệt, không phải than nào cũng dùng để đốt lò, mà phải là loại than được đốt từ cây gỗ dẻ bởi loại than này cho ngọn lửa có nhiệt độ cao.
Với người thợ rèn Tà Riềng, cần tính toán kỹ lưỡng mỗi khi bắt tay vào rèn dụng cụ nào đó. Phải thổi lửa sao cho sắt đỏ vừa phải, phù hợp. Khi rèn, phải theo một quy trình và cần có hai người, một người rèn và một người quay quạt để than trong lò cháy đều cung cấp nhiệt cho quá trình đốt nóng các dụng cụ. Nghề rèn thủ công của người Tà Riềng đòi hỏi người thợ phải có sức khỏe, sự khéo léo, cũng như sự kiên trì và sáng tạo mới có thể cho ra những vật dụng vừa có giá trị phục vụ săn bắn, lao động sản xuất mà còn thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo riêng của dân tộc mình.
Những dụng cụ rèn Tà Riềng luôn có những điểm khác biệt, đó là độ sáng, kiểu dáng, rất sắc bén. Từ cái cuốc làm cỏ lúa rẫy, cái rựa, cái rìu đi rừng, đến con dao... đều được người thợ rèn nơi đây sử dụng gốc cây trúc già làm cán nên rất bền.
Từ xưa đến nay, đồng bào Tà Riềng luôn coi trọng nghề rèn thủ công truyền thống. Bởi nó giúp bà con có dụng cụ canh tác để trồng lúa rẫy, lúa nước và nhiều loại cây trồng khác đem lại nguồn thực phẩm dồi phục vụ cuộc sống. Dù cuộc sống hôm nay đã hiện đại với nhiều vật dụng công nghiệp tiện lợi hơn xưa, người Tà Riềng vẫn gìn giữ nguyên vẹn nghề rèn truyền thống của ông cha mình.
Nguyễn Văn Sơn
Ý kiến bạn đọc