Chàng trai Êđê đam mê văn hóa truyền thống
Sinh trưởng trong một gia đình còn giữ gìn gần như đầy đủ những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Êđê, với anh Y Ser Bkrông ở buôn Tơng Jú (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) đó là một điều đáng trân quý, cần tiếp tục gìn giữ và phát huy vốn quý ấy.
Điều này lý giải vì sao sinh năm 1985, nhưng anh Y Ser hiểu khá rõ về văn hóa truyền thống của người Êđê như: nấu rượu cần, ẩm thực truyền thống, tạc tượng…, trong đó anh giỏi nhất là tạc tượng. Anh được biết đến là một trong những nghệ nhân trẻ tạc tượng tài hoa, trụ vững với nghề và có những sáng tạo phù hợp với tình hình hiện tại.
Anh Y Ser Bkrông đang tạo tác một tượng gỗ. |
Chia sẻ về cơ duyên gắn bó với nghề tạc tượng, anh Y Ser cho hay: “Từ nhỏ thấy ông ngoại đục đẽo những gốc cây để làm cối, chày, cùng nhiều bức tượng khác để phục vụ nhu cầu cuộc sống, tôi thấy rất thích. Lớn lên, tôi tự tìm hiểu và làm một số bức tượng nhưng không thành công. Không nản lòng, tôi tiếp tục tìm hiểu qua các nghệ nhân và tự học”. Sau nhiều năm học hỏi, anh Y Ser đã tạc được bức tượng con voi, tuy còn đơn sơ nhưng đã thể hiện được lòng quyết tâm theo đuổi nghề. Hơn 10 năm theo đuổi, anh Y Ser đã khẳng định được mình trong nghề “đục đẽo” và ngày càng phát triển.
Anh Y Ser cho hay, trước đây tượng gỗ dân gian của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên chủ yếu để trang trí nhà mồ (gọi là tượng nhà mồ) nhằm tái hiện những tính cách đặc trưng nhất của người đã khuất, đồng thời thể hiện tình cảm của người còn sống đối với người đã mất, thế nhưng ngày nay nét văn hóa này dường như đã bị mai một. Thay vào đó là hình thành các nhóm tượng dân gian để trang trí, thường được dùng để trưng bày trong các khu du lịch, quán cà phê để tạo sự độc đáo. Gần đây, nhiều người dân cũng thấy thích, đặt các tượng gỗ dùng để bày trí nhà cửa… Đây cũng là cơ hội để Y Ser sáng tạo, thổi hồn vào những khúc gỗ và đã trụ được với nghề.
Y Ser Bkrông đã giành được giải Nhì với tác phẩm "Đôi chân trần" (năm 2015), giải Khuyến khích với tác phẩm "Tâm tư già làng" (năm 2017) tại Hội thi tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên. |
Những ý tưởng độc đáo cùng đôi bàn tay tài hoa anh Y Ser đã tạo nên được những tác phẩm nghệ thuật đẹp và hấp dẫn, đơn cử như những chiếc ghế tạc hình các con vật; trên cánh cửa cổng, cửa nhà là hình ảnh buôn làng vào hội, uống rượu cần… Thông qua các hình ảnh đó, người xem sẽ hiểu được đôi nét những sinh hoạt, tập quán, văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung và truyền thống văn hóa của người Êđê nói riêng cùng những câu chuyện được gửi gắm trong đó… Bản thân anh Y Ser cũng không ngừng sáng tạo, tận dụng từng “không gian” trên các thước gỗ để điêu khắc tỉ mỉ từng chi tiết sao cho sắc nét và chân thật nhất.
Không chỉ là một nghệ nhân tạc tượng tài hoa, anh Y Ser còn nấu rượu cần và nấu các món ăn truyền thống rất ngon - những điều này anh đều được học hỏi và kế thừa từ gia đình, như để làm nên hương vị đặc trưng của rượu cần ngon thì cần phải biết chọn men (thường là men lá) và sử dụng men sao cho hợp lý; hay để chế biến các món ăn ngon cần có nguyên liệu tươi và đầy đủ gia vị. Thế nhưng, với anh Y Ser thứ quan trọng nhất để mang đến thành công cho những điều đó vẫn là sự đam mê và tâm huyết.
Anh Y Ser Bkrông (thứ hai, bìa trái) giới thiệu món ăn truyền thống đến du khách. |
Ngay ngôi nhà gia đình đang sinh sống tại buôn Tơng Jú cũng được anh tỉ mẫn chăm chút để đón tiếp bạn bè, khách du lịch… Anh Y Ser mong muốn, từ việc lưu trú và sinh hoạt tại nhà sàn, thưởng thức ẩm thực bản địa, xem nghệ nhân dệt vải, trải nghiệm những giá trị truyền thống…, mọi người sẽ có cơ hội tìm hiểu nét văn hóa truyền thống độc đáo của người Êđê. Từ đó, góp một phần nhỏ bé của mình vào việc lưu giữ, phát huy truyền thống dân tộc và phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc