Sức sống tượng nhà mồ...
Không còn bó hẹp ở khuôn khổ tín ngưỡng tâm linh gắn liền với không gian nghĩa địa, ngày nay, tượng nhà mồ đang xuất hiện rộng rãi trong đời sống cộng đồng, góp phần quảng bá, tôn vinh giá trị văn hóa đặc trưng của con người, vùng đất Tây Nguyên.
Tác phẩm nghệ thuật dâng người đã khuất
Đến với Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng, chắc hẳn nhiều người không khỏi tò mò về tượng nhà mồ (hay còn gọi là tượng gỗ dân gian) của đồng bào các dân tộc bản địa. Theo truyền thống, sau khi người khuất được chôn cất từ 1 - 7 năm, thì gia đình sẽ làm lễ bỏ mả - tức quan niệm sau nghi lễ này, người chết sẽ thực sự về với xứ sở của các thần, người sống không làm đám giỗ nữa. Trước khi làm lễ bỏ mả, gia đình sẽ phân công một số người vào rừng lấy gỗ về tạc tượng để đặt trên mộ phần gọi là tượng nhà mồ. Các tượng nhà mồ được tạc ra đều gắn liền với cuộc sống hằng ngày trước đây của người nằm dưới mộ như: Tượng người giã gạo, tượng người phụ nữ cho con bú sau lưng mang gùi lên nương rẫy, tượng người uống rượu cần...
Tượng nhà mồ Tây Nguyên đang hiện diện ngày càng sinh động trong đời sống cộng đồng. Ảnh: Hữu Hùng |
Nói về tượng nhà mồ, ông Y Chiều Knul (SN 1973, trú buôn Tul A, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) chia sẻ: “Đối với người M’nông chúng tôi việc đặt tượng nhà mồ ở nghĩa địa nhằm thể hiện tình thương, tấm lòng của gia đình với người đã khuất. Thông qua mỗi bức tượng nhà mồ, người ta sẽ hiểu được nét văn hóa đặc sắc của từng dân tộc. Chẳng hạn, tượng con chim công thể hiện tính đặc trưng chỉ có ở vùng đất Buôn Đôn. Người còn sống mong muốn người chết sẽ biến thành con chim đẹp nhất, lớn nhất. Tương tự, tượng ngà voi là hình ảnh giá trị nhất tượng trưng cho vùng đất thuần dưỡng voi rừng; đồng thời để chứng tỏ là người nằm dưới mộ khi còn sống có công lao thuần dưỡng voi”.
Nghệ nhân Y Thái Êban (buôn Kmrơng Prông B, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, tượng nhà mồ mang dáng vẻ hoang sơ được đục, đẽo bằng rìu, đục, dao..., không theo khuôn mẫu, quy chuẩn về tỷ lệ, kích thước nào, quan trọng nhất là cái hồn, cốt của tượng. Mặc dù được đẽo theo cảm hứng của nghệ nhân, nhưng mỗi bức tượng đều mang sắc thái, ý nghĩ riêng. Ví dụ như tượng ngồi hai tay chống cằm thể hiện người chồng hay vợ luôn nhớ thương người đã mất; tượng bồng con biểu hiện người vợ, người mẹ đi tìm chồng, chờ chồng… Điểm đặc biệt nhất trong các bức tượng chính là sự biểu đạt trên khuôn mặt. Nó không những thật mà phải giàu cảm xúc, chỉ cần nhìn vào là hiểu được thông điệp của bức tượng. Tượng được trang trí xung quanh khu nhà mồ, mang ý nghĩa tiếc thương người chết. Người ta đặt tượng ở nhà mồ để theo bầu bạn, hầu hạ người chết ở thế giới bên kia, vì thế, không ai phán xét tượng đẹp hay xấu.
Tượng nhà mồ “bước ra” đời sống
Cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, tượng gỗ dân gian không còn bó hẹp trong không gian nhà mồ nữa mà đã “bước ra” ngoài đời sống cộng đồng. Ngày nay, người ta có thể dễ dàng bắt gặp những tượng nhà mồ tại các khu, điểm du lịch, quán cà phê, nhà hàng, bảo tàng, sân vườn gia đình… trên địa bàn tỉnh; qua đó, góp phần giới thiệu và quảng bá tới du khách gần xa về một nét văn hóa đặc sắc của người Tây Nguyên.
Tham quan điểm du lịch sinh thái Troh Bư - Buôn Đôn (ở buôn Niêng 3, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn), du khách thỏa sức chiêm ngưỡng những bức tượng nhà mồ khá sinh động được đặt dọc hai bên lối vào điểm tham quan vườn lan rừng. Theo hướng dẫn viên, nơi đây có gần 50 bức tượng gỗ dân gian các loại như: tượng người (với đủ mọi sắc thái, biểu hiện cảm xúc vui, buồn, khổ đau, hạnh phúc), hay tượng con thú… Du khách đến đây ai cũng hiếu kỳ và thích thú với những bức tượng gỗ mộc mạc này, dù chúng không được điêu khắc, chạm trổ tinh xảo .
Tượng nhà mồ được trưng bày và giới thiệu tại Bảo tàng tỉnh. |
Không chỉ có Troh Bư - Buôn Đôn, hình ảnh tượng nhà mồ cũng xuất hiện ở Khu du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng Kotam (phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột), Homestay Hnoh Ea Kao (buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) và nhiều điểm du lịch khác trong tỉnh. Theo bà H’Yam Bkrông, chủ nhân của Homestay Hnoh Ea Kao, việc trang trí tượng gỗ dân gian trong khuôn viên homestay đã mang lại hiệu ứng tốt về mặt thẩm mĩ, thân thiện với môi trường và có một giá trị đặc biệt khiến không gian sân vườn trở thành những câu chuyện kể thú vị. Hình ảnh đại ngàn, bề dày truyền thống dân tộc, nhân sinh quan của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên được tái hiện lại chỉ bằng các khối tượng gỗ vô tri. Khách du lịch đến đây đều rất thích thú, họ đứng chụp hình với tượng lớn, đặt mua tượng size nhỏ để làm kỷ niệm.
“Tượng nhà mồ có những điều đặc biệt mang tính tâm linh, càng tìm hiểu càng thú vị. Bây giờ lễ bỏ mả người ta không còn làm nhiều hoặc có làm cũng không lớn như ngày xưa và người đẽo tượng cũng ngày càng ít. Nếu không gìn giữ, quảng bá rộng rãi để nhiều người biết đến, sợ rằng nghệ thuật này sẽ biến mất”, bà H’Yam cho biết thêm.
Để phát huy giá trị tượng nhà mồ
Nghệ nhân Y Thái Êban đã gắn bó với nghề đẽo tượng nhà mồ hơn 30 năm nay. Công việc này không chỉ giúp ông thỏa niềm đam mê mà còn mang đến nguồn thu nhập khá. Ông cho biết, bình quân mỗi tháng ông đẽo được khoảng trên 10 tượng gỗ theo đơn đặt hàng của chủ các doanh nghiệp du lịch, kinh doanh dịch vụ trong và ngoài tỉnh. Điều vui mừng nhất của ông là hai con trai cũng đang theo nghề bố, ngoài ra ông còn tích cực truyền dạy cho 6 người khác bằng hình thức vừa học nghề vừa làm.
Nghệ nhân Y Thái Êban (buôn Kmrơng Prông B, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) giới thiệu về tượng nhà mồ. |
Được đánh giá là nghệ nhân trẻ, có nhiều sáng tạo, hiện nay anh Y Ser Bkrông (buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) đang được một số chủ cơ sở kinh doanh homestay, điểm du lịch cộng đồng trong tỉnh mời đến làm tượng gỗ dân gian để khách tham quan trực tiếp trải nghiệm. Anh Y Ser cho hay, nhiều du khách đến Đắk Lắk không khỏi thích thú và muốn tìm hiểu về ý nghĩa của tượng gỗ dân gian. Thậm chí, nhiều người còn đặt nghệ nhân đẽo tượng kích cỡ nhỏ để mang về trang trí, trưng bày.
Theo ông Đặng Gia Duẩn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh, trước đây đồng bào dân tộc tại chỗ ở Tây Nguyên quan niệm rằng tượng gỗ phải gắn liền với nhà mồ. Cùng với sự phát triển của xã hội, ngày nay tượng nhà mồ không chỉ được xem là biểu tượng tâm linh mà còn dùng để trưng bày, trang trí, làm điểm nhấn để thu hút khách tham quan. Đây là hướng phát triển mới đầy triển vọng và cũng là bước ngoặt tất yếu để nâng tầm giá trị đối với loại hình nghệ thuật đặc biệt này. Tuy nhiên, để tượng nhà mồ không mất đi giá trị đích thực của nó, ngành chức năng tỉnh đã triển khai, thực hiện nhiều biện pháp bảo tồn, giới thiệu, quảng bá. Điển hình nhất là việc phối hợp với các tỉnh trong khu vực tổ chức liên hoan văn hóa và các cuộc thi tạc tượng gỗ dân gian; trưng bày tại Bảo tàng tỉnh để quảng bá cho khách tham quan biết thêm về nghệ thuật này. Mặc dù vậy, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng nếu việc khôi phục và phát triển nghệ thuật đẽo tượng chỉ để gắn với không gian nhà mồ thì rất khó tồn tại, bởi nguồn gỗ khan hiếm, nhiều tập tục không còn phù hợp với thời đại mới...
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, toàn tỉnh có 606 buôn đồng bào dân tộc thiểu số với 11.835 nghệ nhân ở các loại hình di sản văn hóa phi vật thể khác nhau, trong đó, riêng nghệ nhân làm tượng nhà mồ hiện chỉ còn 312 người. |
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc