Tây Nguyên - Nơi những dòng sông đi qua (Kỳ cuối)
Kỳ cuối: Sê San - Dòng sông ánh sáng
Sê San bắt đầu từ nơi hợp lưu của sông Pô Kô ở phía hữu ngạn và sông Đắk Bla ở tả ngạn, chảy qua hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum rồi nhập vào dòng Sêrêpốk gần ngã ba Stung Treng - Campuchia, trở thành một trong những phụ lưu lớn của dòng Mê Kông hùng vĩ.
Tôi đã có dịp đến đây và nhận ra đặc điểm địa hình tự nhiên ở vùng thượng và hạ lưu có hình thái khác nhau: Phía thượng lưu của sông nằm trong vùng đồi núi thấp, độ dốc trung bình; còn phía hạ lưu, thung lũng sông nằm trong các hẻm sâu của các dãy núi cao, có độ dốc khá lớn nên sông Sê San thích hợp cho việc xây dựng các nhà máy thủy điện có công suất đáng kể.
Sông Sê San. |
Với lợi thế và tiềm năng ấy, đến nay trên lưu vực sông Sê San đã được Chính phủ phê duyệt xây dựng 7 công trình thủy điện (gồm Thủy điện Plei Krông, Ya Ly, Sê San 3, Sê San 3A, Sê San 4, Sê San 4A và Thượng Kon Tum) với tổng công suất 1.831 MW). Hằng năm, các nhà máy thủy điện này cung cấp khoảng hơn 8 tỷ KWh điện, đóng góp xứng đáng vào hệ thống điện lưới quốc gia, góp phần phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực Tây Nguyên và cả nước. Vì thế, Sê San được mệnh danh là “Dòng sông ánh sáng”.
Tôi đứng trên cầu Đắk Bla - nơi con sông đi qua, nhìn về hạ lưu là Nhà máy Thủy điện Ia Ly, một trong những công trình trọng điểm và đầu tiên được xây dựng trên hệ thống bậc thang của dòng sông này vào đầu tháng 11/1993 với công suất lớn nhất (720 MW) trong hệ thống bậc thang Sê San. Phần lớn các hạng mục của công trình được xây dựng ngầm trong lòng núi - và cũng là công trình duy nhất ở Việt Nam có hệ thống cáp dầu 500 kV. Kỹ sư Lê Minh Tuấn (Công ty Thủy điện Ia Ly) nói rằng, từ khi chính thức phát điện tổ máy số 1 (ngày 12/5/2000) đến nay, Thủy điện Ia Ly không ngừng phát triển trên tất cả các phương diện và đã khẳng định được vai trò, vị trí là nhà máy trung tâm với quy mô sản xuất, điều tiết thủy văn, cân đối lưu vực hết sức hiệu quả. Tiếp đó, lần lượt các nhà máy thủy điện Sê San 3, Sê San 3A, Sê san 4, Sê san 4A, Plei Krông và Thượng Kon Tum lần lượt được bấm nút động thổ, biến dòng Sê San hoang dã trở thành dòng năng lượng lớn nhất Tây Nguyên và đứng vị trí thứ ba (chỉ sau hệ thống sông Đà và sông Đồng Nai) khi xét về tiềm năng thủy điện trên tất cả hệ thống sông ngòi Việt Nam.
Theo dòng Sê San và gặp những người Bana, J’rai, Sê đăng bản địa chỉ dẫn, chúng tôi mới hiểu rằng vùng giáp ranh giữa hai huyện Kon Rẫy (Kon Tum) - Kbang (Gia Lai) chỉ có núi liền núi nhưng sông không liền sông. Những dòng chảy thuộc lưu vực sông Đắk Pne đổ về Sê San phát nguyên từ những dãy núi nghiêng về phía Tây, còn những dòng chảy nghiêng về sườn Đông thì thuộc lưu vực sông Ba, một sự phân chia sòng phẳng của tự nhiên không ảnh hưởng gì với nhau. Điều dễ nhầm lẫn là khi mới nghe tên địa danh, một bên dùng Kon và một bên gọi Đắk - tiếng địa phương đều chỉ khái niệm là “nước” cả, dịch sang tiếng phổ thông, cả hai đều gọi là “con nước Pne”. Như vậy khả năng sông liền sông là có thể xảy ra và những sông ở đây đều có quan hệ “máu mủ ruột rà”(?). Mường tượng ấy đã thôi thúc chúng tôi làm một cuộc hành trình đi thẳng về hướng Bắc Kon Tum, lên quần sơn Ngok Linh - mái nhà của Tây Nguyên để được nhìn rõ mặt những dòng chảy trên vùng đất này.
Thủy điện Plei Krông. |
Trên hành trình ấy, tôi đã nghe cư dân bản xứ kể “cổ tích” những dòng sông, trong đó có Sê San thì mới hay mường tượng kia (sông liền sông) dần được chứng thực. Cổ tích kể rằng thuở hồng hoang, có một đận cao nguyên ở phía Bắc Tây Nguyên này lâm vào cảnh nắng hạn kiệt cùng, khiến tất cả những dòng sông nằm chết giữa những vách đá im lìm, cuộc sống của muôn loài cũng trở nên bĩ cực. Lúc ấy có nàng Ly từ đỉnh núi Ngok Linh nguyện đi tìm nước để cứu dân làng, qua bảy ngày bảy đêm, nàng đi qua nhiều dòng sông, ngọn núi điệp trùng, sau cùng mới đến được thác Ia Ly. Nào ngờ ngọn thác này cũng chết lặng như bao dòng thác mà nàng đã từng qua. Tuyệt vọng, nàng Ly ngửa mặt lên trời than: "Hỡi Yàng, sao nỡ bắt dân làng lâm vào cảnh đói khát. Nếu Yàng cho nước, Ly này nguyện hiến thân cho Yang Đắk (Thần nước)". Nghe tiếng kêu như xé ruột của nàng vọng đến, Yàng cảm động cho tuôn mưa xuống và thần nước cũng đã cuốn nàng đi. Hay tin dữ, Rốk băng rừng đi tìm người yêu, đến nơi, chàng chỉ còn kịp thấy suối tóc nàng Ly đã hóa thành dòng thác Ia Ly hùng vĩ như ngày nay. Những con suối, dòng sông, ngọn thác thuở hồng hoang kia, giờ còn đó với những tên gọi khác nhau: suối Đắk S’Nghe, Đắk Kôi và Đắk Pone hợp thành dòng Đắk Bla uốn lượn từ Đông sang Tây; sau đó cùng dòng Pô Kô hòa trộn để bắt đầu dòng Sê San lắm ghềnh, nhiều thác chảy về hướng Bắc tỉnh Gia Lai trước khi hợp lưu với sông Mê Kông trên đất bạn Campuchia.
Vậy thì ai bảo ở phía Bắc Tây Nguyên này “sông không liền sông” - và trên những dòng sông ấy có hình bóng Sê San mà ngày nay mà tôi đã nhìn rõ mặt từ đỉnh Ngok Linh chính là “Dòng sông ánh sáng” với nguồn điện năng dồi dào, cùng với những lòng hồ rộng lớn đem lại nguồn lợi thủy sản phong phú cho người dân trong vùng, nhất là hai huyện Kon Rẫy (tỉnh Kon Tum) và huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) ngày nay xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội bền vững nhờ ân sủng của dòng sông.
Tầm nhìn năng lượng của sông Sê San được Hãng Nipon Koie - Nhật Bản điều tra, khảo sát vào năm 1966, tiếp đó là Ủy ban sông Mekong năm 1971. Cho đến năm 1978, Viện Quy hoạch (Bộ Thủy lợi lúc ấy) mới đặt lại vấn đề. Đầu tháng 9/1992, luận chứng kinh tế về Thủy điện Sê San mới được Hội đồng Bộ trưởng phê duyệt. Ngày 4/11/1993, Thủ tướng Võ Văn Kiệt phát lệnh khởi công Nhà máy thủy điện Ia Ly - mốc son chinh phục “Dòng sông ánh sáng” này chính thức bắt đầu... |
Phương Nguyên
Ý kiến bạn đọc