Đôi điều về “họ”của người Tây Nguyên
Thuở xa xưa, nhiều tộc người tại chỗ ở khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên không có họ. Thời nhà Nguyễn, theo TS. Nguyễn Đăng Vũ, dựa vào các suất tráng đinh khi lập danh bộ trong mỗi làng xã, đặt cho người Hrê, Ca Dong họ Đinh.
Các tộc người khác như Bâhnar, Xê Đăng cũng không có họ, nhưng để phân biệt nam thì thêm chữ A (A Huy, A Lâm…), nữ thêm chữ Y (Y Đai, Y Nhok…) trước tên.
Người Kơ Ho, nữ thêm Ka (Ka Thiếu, Ka Mai…), nam thêm K’ (K’Wẻ, K’Bôt…). Tuy nhiên, một số nhóm địa phương Kơ Ho cũng có họ như Kra Zan, Păng Ting… Tương tự vậy, có nhóm địa phương M’nông Gar mang họ N’Tơr, Bing… Một số vùng M'nông Preh gọi tên kèm theo bon (buôn) hoặc tên mẹ (Giang bon Snar, Thịnh bon Jok Ju, Tiang kon Mai…). Căn cứ vào cách gọi theo tên mẹ, mà người M’nông nhóm Preh còn có gia phả bằng văn vần (kuach jao) để không kết hôn cùng một dòng họ.
(Ảnh minh họa) |
Người Êđê có hai dòng họ chính là Niê và Mlô, mỗi dòng có thêm các dòng phụ chỉ để khác đi khi tách khỏi một cộng đồng (Niê Siêng, Êban…) nhưng vẫn thống nhất trong tất cả các nhóm địa phương để phân biệt giới tính trước tên như: con trai thêm Y (Y Ngông Niê Kdăm, Y Wang Mlô Dun Du…) và nữ thêm H’ (H’Nghia Êban, H’Blum Buôn Yă). Người Êđê Bih có thêm các họ Buôn Krông, Kmăn (Y Tuyn Kmăn, H’Jam Buôn Krông…), đều đặt họ ở phía sau giới tính và tên gọi.
Tương tự, người J’rai ngoài những dòng chính là Nay (Nay Phin, Nay Der, Nay Loét, Nay H’Wil…), Ksor (Ksor Ní, Ksor Phước…), Kpă (Kpă Toan, Kpă Nguyên…), Siu (Siu Pơi, Siu Thanh…), Rchom (Rchom Jơn, Rchom Tih…) thì còn có các nhánh R’o, Ra Lan, Rma… (các dòng họ Êđê, J’rai tách ra đều có sự tích) cũng dùng Y và H’ để phân biệt giới tính.
Khi đạo Cơ đốc xâm nhập vào Tây Nguyên, các vùng đã chuyển đổi tín ngưỡng có thêm tên Thánh như Mari Thoai, Giôdep Thanh…
Năm 1954, những học sinh từ Tây Nguyên tập kết ra Bắc, khi lập hộ khẩu ở Trường Cán bộ dân tộc miền Nam, công an nhất quyết ai cũng phải có họ. Vì vậy cán bộ, học sinh thích theo họ ai thì tự đặt cho mình và đăng ký như thế. Nên mới có bạn tôi người Hrê nhưng mang họ của người Êđê là Knơng Y Hia, bạn Bâhnar mang họ Siu (Siu Phích, Siu Ơch…) của người J’rai…
Khi lập sổ bộ ở miền Nam, chính quyền Ngô Đình Diệm của Việt Nam Cộng hòa thấy người M’nông vùng Gia Nghĩa không có họ, lại thấy hay cắm lông chim trên vành khăn đội đầu nên đặt cho họ Điểu (Điểu Kâo, Điểu Glung, Điểu Náp…).
Từ năm 1969 đến nay, đông đảo người Cor ở Trà Bồng, người Vân Kiều ở Quảng Bình, người Pa Cô ở Thừa Thiên - Huế đổi thành họ Hồ (theo họ Chủ tịch Hồ Chí Minh), người Hrê ở Ba Tơ, Sê Đăng ở Kon Tum đổi thành họ Phạm (theo họ Thủ tướng Phạm Văn Đồng).
Sau năm 1975, một lần nữa lập hộ khẩu, cơ quan công quyền buộc tất cả phụ nữ M’nông ở Đắk Nông phải thêm chữ Thị để phân biệt giới tính (Thị Mai, Thị Bạch…).
Bên cạnh đó, do các cuộc hôn nhân ngoài tộc người ngày càng nhiều, nên con cái tộc người Tây Nguyên có thêm các họ của người miền xuôi như Nguyễn, Trần (Nguyễn Thị Sửu – Kê Sửu, Trần Y Kiều Diễm – Diễm Mlô…). Sau này, bố mẹ có sự hiểu biết hơn, trân trọng dòng họ mình hơn, các cháu mang cả hai họ (Vi Hoàng Niê kdăm, Nguyễn Phong Lan Mlô Dun Du…), thật là những cái tên đẹp mà vẫn định được ra nguồn gốc.
Chỉ sơ sơ vài điều như vậy, để thấy cách làm khiên cưỡng cũng như không theo một quy củ nào của việc áp đặt hay tự thân hình thành các “dòng họ” mới của người Tây Nguyên.
Tách ra một sự việc nhỏ, để muốn nói đến một điều lớn hơn: Văn hóa cổ truyền của mỗi tộc người là nét đẹp tiêu biểu, đặc trưng của vùng đất và con người nơi ấy, cần luôn được trân trọng và bảo tồn. Đừng nên vì bất cứ ý tưởng cá nhân nào, thiếu sự hiểu biết về văn hóa của vùng đất, mà áp đặt sự đổi thay không phù hợp với truyền thống, tạo nên những sự dở khóc dở cười khi thực hiện những thủ tục hành chính. Huống hồ tên, họ không chỉ là định danh của một con người, mà còn là tiêu chí để hiểu biết về gia đình, dòng họ, thậm chí là nguồn cội.
Linh Nga Niê Kdăm
Ý kiến bạn đọc