Tập tục tìm đất làm rẫy của người M’nông
Dân tộc M’nông là cư dân trồng lúa rẫy lâu đời. Đồng bào có nhiều tập tục và kinh nghiệm canh tác lúa rẫy, trong đó, việc quan trọng nhất là tìm đất làm rẫy.
Trong sử thi (Ot ndrong) “Mùa rẫy Bon Tiăng” của người M’nông có câu vần: “Tìm đất khuất gió để trồng dưa/Tìm đất bằng để trồng bắp ngô/Đất bờ suối trồng chuối và mía/Trên đồi cao chỉ trồng cây gai/Trên đồi cao chỉ trồng cây dứa/Trên đồi cao trồng lang và mì”.
Trước khi chọn đất làm rẫy, dân làng phải hỏi ý kiến người già, nhờ họ chỉ dẫn hoặc trực tiếp đi tìm giúp mảnh đất tốt nhất. Trước đây, đất mênh mông, rừng bao la nhưng tìm được nơi thích để làm nhà, canh tác nương rẫy không phải là chuyện dễ dàng. Đặc biệt, đất để làm rẫy phải có đủ điều kiện về thổ nhưỡng dưới cái nhìn của tri thức, kinh nghiệm dân gian.
Điều kiện thứ nhất phải phù hợp với các loại cây trồng. Trồng cây dưa tìm nơi khuất gió, ngô bắp tìm nơi đất bằng, cây chuối, cây mía tìm đất bờ suối, đất trên đồi chỉ trồng được cây gai, khoai, không thích hợp để trỉa lúa.
Điều kiện thứ hai là đất phải màu mỡ. Nơi rừng già đất xốp, rất tốt nhưng chỉ trồng được thuốc lá và chuối, không thể trỉa lúa. Đồng bào phải tìm rừng non rẫy cũ mà chủ của nó đã bỏ, không còn canh tác từ 6 - 10 năm.
Theo kinh nghiệm dân gian, trước 6 năm thì đất còn non, sau 6 năm thì đất quá già. Đất rừng non không xốp như rừng già, nhưng không phải gặp rừng non nào cũng có thể phát rẫy trồng lúa mà phải tìm nơi đất có màu mỡ.
Người đàn ông M'nông vào rừng tìm đất làm rẫy. |
Tìm đất phát rẫy tốn nhiều công sức và thời gian, mười ngày nửa tháng cũng có khi chưa tìm được nơi ưng ý. Mỗi ngày, ăn cơm sáng xong, các cụ cầm dao, rựa, mang theo cả phần cơm trưa đi vào rừng tìm đất phát rẫy đến lúc trời tối mới về. Hôm sau lại chuẩn bị hành trang đi tiếp cho đến khi tìm được mảnh đất màu mỡ phù hợp với cây trồng. Theo kinh nghiệm của người già, đất màu mỡ là loại đất có vị mằn mặn và ngọt. Khi thấy nơi phù hợp với các loại cây trồng, các cụ đào sâu xuống đất khoảng một ngón tay giữa, bốc cục đất bỏ vào mồm nhai, nếu gặp đất có vị mặn và ngọt thì được, nếu đất có vị chua thì bỏ vì chất đất này trồng cây sẽ không tốt, trồng lúa sẽ thất thu.
Điều kiện thứ ba thuộc về “tâm linh”, phải tránh đất có thần, vì khi canh tác, xin phép buộc phải cúng bái phức tạp. Theo quan niệm của đồng bào, nơi rẫy cũ đã bỏ qua 10 năm nay thành rừng già. Loại rừng này thường có ma, có thần nên khi phát rẫy dễ xảy ra nhiều chuyện không may như tai nạn, ốm đau chết chóc, mất mùa... Nếu không cúng bái xin lỗi thần thì gia đình chủ rẫy sẽ gặp xui xẻo, ốm đau, nghèo đói triền miên. Do đó, khi muốn phát đất rẫy cũ thì đồng bào phải tìm chủ rẫy thời trước, không phải là để mua lại mảnh đất ấy mà là để hỏi kinh nghiệm xử lý và sử dụng đất nơi đó như thế nào. Chủ rẫy cũ truyền đạt cho chủ rẫy mới kinh nghiệp làm nông của mình như cách phát, đốt, trồng trỉa vào thời điểm nào, khu đất đó phù hợp với các loại cây gì, với các loại giống lúa gì. Thậm chí, chủ rẫy mới phải “tham vấn” chủ rẫy cũ cả nghi thức cúng bái thần linh cho cây lúa lên xanh tốt, trổ nhiều bông và cho mùa bội thu với sự hứa hẹn đạt “trăm gùi lúa”.
Mùa thu hoạch lúa rẫy của người M'nông. |
Theo tâm thức của cư dân nông nghiệp lúa rẫy, đất nơi nào phải cúng đúng theo thủ tục của khu đất đó thì thần linh mới phù hộ. Nếu không đúng lễ cúng hoặc không đủ lễ cúng, gia đình sẽ gặp nhiều điều không may như tai nạn, ốm đau, chết chóc, mất mùa, nợ nần, cháy nhà, mất của, vợ chồng bỏ nhau, kẻ xấu kiếm chuyện làm hại gia đình.
Trường hợp không tìm được chủ rẫy cũ do họ đã qua đời thì phải nhờ con cháu chủ rẫy cũ “hướng dẫn”, kế thừa, học hỏi được nhiều kinh nghiệm trồng trọt, canh tác và tránh xảy ra việc tranh chấp đất đai lẫn nhau.
Để tỏ lòng biết ơn, trong các lễ cúng nương rẫy, từ đầu đến cuối mùa vụ chủ rẫy mới phải mời chủ rẫy cũ đến dự. Nhất là khi cắm dùi phải có chủ rẫy cũ làm thủ tục cho phép và phát rẫy giúp cho chủ rẫy mới ngày công đầu hoặc làm tượng trưng, không cần phải tốn công tốn sức, cốt để lấy may, cầu phúc, mong cho người chủ mới có “bát ăn bát để”.
Đối với người M’nông, việc tìm được chỗ cư trú, canh tác phù hợp là rất quan trọng. Vì nơi đây có thể hình thành, phát triển bon làng, có thóc lúa đủ ăn quanh năm, khắc phục tình trạng di cư, chuyển cư liên tục như tập quán xa xưa của đồng bào. Kinh nghiệm tìm đất phản ánh một phần tri thức dân gian của đồng M’nông trong canh tác nông nghiệp lúa rẫy - một phương thức sản xuất gắn bó lâu đời, góp phần làm nên bản sắc văn hóa của các tộc người Tây Nguyên.
Tấn Vịnh
Ý kiến bạn đọc