Bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống Tây Nguyên trong xã hội hiện đại
Đời sống cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên đang biến đổi khá sâu sắc thể hiện ở nghi thức hôn nhân, mô hình nơi cư trú, các quan hệ gia đình... dẫn tới việc duy trì và thực hành các chuẩn mực liên quan giá trị văn hóa truyền thống gặp khó khăn.
Vấn đề đặt ra cho các nhà quản lý và hoạch định, thực thi chính sách là làm thế nào để bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống dưới tác động của quá trình hiện đại hóa xã hội.
Những biến đổi
Kết quả của chương trình di dân theo kế hoạch và di dân tự do trên địa bàn Tây Nguyên đã tạo nên sự đa dạng về văn hóa.
Sự biến đổi kinh tế - xã hội đã đưa đến những thay đổi đáng kể tới nghi thức văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số tại chỗ. Các chương trình lớn diễn ra trên địa bàn Tây Nguyên như di dân xây dựng vùng kinh tế mới, tái định canh định cư; giao đất giao rừng, chương trình 135 được đánh giá là ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới sự biến đổi các cộng đồng dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên. Song song với việc triển khai các chương trình này, Nhà nước cũng ban hành rất nhiều quy định để hỗ trợ thực thi.
Ảnh minh họa: Hữu Nguyên |
Một trong những mục tiêu chính của các chương trình này là thay thế phương thức canh tác truyền thống “du canh du cư” của đồng bào dân tộc thiểu số, giới thiệu những chính sách thúc đẩy hiện đại hóa, tái định canh định cư để phục vụ cho các dự án thủy điện, khai khoáng. Trong chừng mực nhất định, việc quy hoạch lại các buôn làng theo hướng ô vuông bàn cờ với các gia đình nhỏ đã làm suy yếu tính cố kết của dòng họ.
Như bất kỳ nền văn hóa khác, văn hoá vùng Tây Nguyên cũng đã và đang trải qua quá trình biến đổi cả theo cách “cưỡng bức” và “tự nguyện”.
Nền tảng xã hội phù hợp cho sự vận hành nền văn hóa truyền thống của các tộc người Tây Nguyên trong xã hội đương đại đã không còn. Luật tục của các cộng đồng dân tộc thiểu số đang có những biến đổi theo hướng thích nghi với luật pháp. Hầu hết các điều khoản luật tục không còn hiệu lực thực tế là những điều khoản vốn được xem là lạc hậu, mâu thuẫn với luật pháp.
Trong khi đó, một số điều khoản luật tục đang thay đổi theo hướng phù hợp với luật pháp: thay đổi về nội dung và hình thức phạt. Bên cạnh đó, một số điều khoản luật tục lại trở nên có hiệu lực hơn so với hiệu lực luật pháp.
Tất cả những biến đổi đó vừa là kết quả của những chính sách tác động trực tiếp hoặc gián tiếp lên sự tồn tại của các cộng đồng người dân tộc thiểu số, vừa là kết quả của sự biến đổi nội tại của cộng đồng theo hướng hiện đại hóa.
Vậy thì, vấn đề cấp thiết hiện nay có lẽ không còn nằm ở những cố gắng mang tính “cưỡng bức” nhằm loại bỏ các điều khoản lạc hậu trong mối tương quan với luật pháp mà chính là ở sự thấu hiểu, thái độ tôn trọng đặc trưng văn hóa để đi tới việc thay đổi những quan niệm không còn phù hợp với xã hội đương đại, hướng tới phát triển năng lực nội tại của cộng đồng người dân tộc thiểu số.
Bắt đầu từ bảo tồn, phát huy ngôn ngữ
Trong quá trình giảng dạy sinh viên người dân tộc thiểu số, chúng tôi nhận thấy, không ít sinh viên chưa có những biểu hiện thực sự rõ ràng về niềm tự hào tộc người. Bằng chứng là nhiều em không biết viết tiếng mẹ đẻ, e ngại trong khi thuyết trình về đặc điểm văn hóa tộc người và có rất ít sinh viên có thể nhớ, sử dụng được những từ ngữ thuộc về văn hóa cổ truyền.
Điều này cũng phù hợp với số liệu từ kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019. Theo đó, kết quả này cho thấy tình trạng đáng báo động về tỷ lệ người dân tộc thiểu số biết ngôn ngữ, bài hát truyền thống, điệu múa và sử dụng nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số biết đọc, biết viết chữ dân tộc thiểu số của mình rất thấp. Trên thực tế, có 32/53 dân tộc thiểu số có chữ viết riêng của dân tộc mình nhưng tỷ lệ người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết tiếng dân tộc của mình chỉ chiếm 15,9%. Tỷ lệ này cao nhất là ở người Êđê (38,8%), tiếp đến là các dân tộc Ba Na (31,7%), Hoa (31,4%), thấp nhất là dân tộc Co, Lự (0,8%). Trong bối cảnh đó, việc khích lệ người trẻ hiểu, trân trọng và tự hào về nền tảng giá trị xã hội của cộng đồng tộc người của chính mình là điều quan trọng.
Từ góc nhìn của những người làm giáo dục, chúng tôi cho rằng, có lẽ, phải bắt đầu sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống bằng việc thúc đẩy bảo tồn và phát huy ngôn ngữ các dân tộc thiểu số tại chỗ vùng Tây Nguyên.
Trương Thị Hiền
Ý kiến bạn đọc