Gắn kết âm nhạc và du lịch
Tiềm năng phong phú và nét đặc sắc của âm nhạc Tây Nguyên là nguồn tài nguyên quý giá để xây dựng sản phẩm du lịch, tạo nên sự độc đáo cho sản phẩm du lịch nơi đây.
Đặc sắc và phong phú
Theo nhạc sĩ Nguyễn Trường, Đắk Lắk không chỉ giàu có tiềm năng về âm nhạc mà đây chính là tài nguyên. Tài nguyên đến từ âm thanh của núi rừng, sông suối, thác ghềnh, của thiên nhiên kỳ vĩ; là âm điệu của dân ca các dân tộc thiểu số tại chỗ; là âm nhạc phát ra từ nhạc cụ tre nứa như đinh năm, đinh pút, đàn t’rưng… Ngoài ra, 49 dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh cũng đều có những giai điệu âm nhạc riêng; âm điệu đó là cốt cách, tâm hồn của các tộc người trên mảnh đất này; một số đã hình thành và được lưu truyền từ đời này sang đời khác; một số khác được du nhập, tiếp biến giao lưu từ nơi khác đến.
Bên cạnh đó, Đắk Lắk sở hữu những bài hát của các nhạc sĩ nổi tiếng, vượt qua biên giới của tỉnh, đi vào lòng người như “Đôi chân trần”, “Đi tìm nữ thần mặt trời” của nhạc sĩ Y Phôn Ksơr, “Xôn xang mênh mang cao nguyên Đắk Lắk”, “Ly cà phê Ban Mê” của nhạc sĩ Nguyễn Cường… Mới đây nhất là ca kịch “Khát vọng Dam Săn” ra mắt công chúng đã gây ấn tượng mạnh, để lại dấu ấn trong lòng khán giả bởi ý nghĩa cũng như giá trị nghệ thuật của tác phẩm.
Du khách trải nghiệm trình diễn nhạc cụ dân tộc với nghệ nhân, nghệ sĩ tại một chương trình âm nhạc trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. |
Không những vậy, Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của đại diện nhân loại; những tiếng chiêng, âm thanh trong lễ hội, các nghi thức vừa là âm nhạc, vừa mang ý nghĩa to lớn trong đời sống tinh thần của các chủ thể, những người con Tây Nguyên.
Chính sự đa dạng và hấp dẫn của âm nhạc Đắk Lắk, Tây Nguyên đã tạo nên nét độc đáo và riêng biệt có sức thu hút du khách. Họ hòa mình, thậm chí là chìm đắm trong không gian của những âm điệu khi đặt chân đến nơi đây.
Sản phẩm du lịch hấp dẫn
“Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã gửi bản thu những ca khúc hay về Đắk Lắk đến các hãng xe, lữ hành và sắp tới sẽ hợp tác với hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam Vietnam Airlines để mở cho du khách nghe trên đường di chuyển đến Đắk Lắk nhằm tạo ấn tượng, khơi dậy cảm xúc trước khi đặt chân đến mảnh đất này”, bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. |
Phát huy những lợi thế đó, nhiều đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh đã và đang đưa âm nhạc trở thành một sản phẩm du lịch; trong đó âm nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số chính là một “đặc sản”, tạo ra sự đa sắc, đa hương cho vườn hoa nghệ thuật âm nhạc và cũng tạo nên sức hấp dẫn với du khách.
Đơn cử như tại Trung tâm du lịch Cầu Treo – Buôn Đôn (Buôn Đôn), với lợi thế nằm trên địa bàn xã Krông Na, nơi có buôn người Lào duy nhất tại Tây Nguyên, đơn vị này đã phối hợp với người dân, ban nhạc Kẹng Tí (am hiểu về nhạc Lào) tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo như tổ chức bữa tiệc âm nhạc, kết hợp với những yếu tố truyền thống khác, mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị.
Thưởng thức bữa tiệc âm nhạc tại đây, anh Hoàng Hiển (du khách đến từ Hải Phòng) chia sẻ: “Trong ánh lửa bập bùng của đêm lửa trại, thêm một chút gió thổi se se lạnh của Tây Nguyên, nghe tiếng nhạc, cồng chiêng, hát hò giữa núi rừng, khiến tôi và các đồng nghiệp chung chuyến đi cảm thấy như quên hết những vướng bận của đời sống thực tại, để trở về với không gian buôn làng nơi đại ngàn xa xưa, đó thực sự là trải nghiệm thú vị trong chuyến du lịch”.
Khu sinh thái Akô Ae (buôn Akô Dhông, TP. Buôn Ma Thuột), cũng là một điểm đến thu hút khách bởi sản phẩm du lịch âm nhạc. Tại đây vào mỗi sáng chủ nhật sẽ có các ca sĩ, nghệ sĩ trình diễn những ca khúc, những tác phẩm âm nhạc Tây Nguyên bằng nhạc cụ truyền thống. Đây là sản phẩm du lịch có sức hấp dẫn đặc biệt với du khách, nhiều du khách lưu trú ở Buôn Ma Thuột chia sẻ nhau kinh nghiệm đến đây từ sớm nhằm tìm cho mình một vị trí đẹp, phù hợp để có thể thưởng thức âm nhạc, cùng một tách cà phê sáng thật trọn vẹn.
Chương trình biểu diễn Văn hóa Cồng chiêng “Âm vang đại ngàn” được tổ chức định kỳ 2 lần/tháng, vào tối thứ bảy tuần thứ 2 và tuần cuối của tháng, cũng là một sản phẩm du lịch được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh, du khách nước ngoài biết đến, yêu thích. Mỗi chương trình lại những chủ đề khác nhau, các diễn viên là các nghệ nhân đến từ các câu lạc bộ, các buôn trên khắp cả tỉnh, không chỉ biểu diễn âm nhạc, cồng chiêng mà còn mang đến cho du khách sự hiểu biết về sự gắn kết cộng đồng, nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc Tây Nguyên.
Ca sĩ Y Samuel Mlô (bên phải) biểu diễn phục vụ du khách. |
Gia tăng lợi ích
Sự phát triển của du lịch không thể tách rời với bản sắc văn hóa của vùng miền, của các dân tộc. Phần lớn các sản phẩm du lịch từ âm nhạc kể trên đều có sự kết hợp với văn hóa, do chính những chủ thể văn hóa thể hiện; đó vừa là điểm mạnh, điểm nhấn thu hút khách du lịch.
Thông qua các buổi biểu diễn cho du khách, không chỉ từng bước nâng cao đời sống vật chất, mà còn nâng cao đời sống tinh thần cho cộng đồng các dân tộc, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của âm nhạc dân gian của các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Siam Tour (TP. Buôn Ma Thuột) thường xuyên tổ chức các tour du lịch trải nghiệm thiên nhiên, văn hóa. Trong đó sản phẩm du lịch: hát múa, trình diễn nghệ thuật, giao lưu giữa du khách và các nghệ nhân tại các buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh luôn được ưu tiên. Anh Y Thiên Adrơng, Giám đốc công ty thông tin: “Chúng tôi luôn tìm hiểu, dựa vào nhu cầu của khách và tạo ra những sản phẩm du lịch mới, có điểm nhấn. Việc liên kết với các buôn làng, những nghệ nhân để giới thiệu về văn hóa không chỉ là câu chuyện của ngày một ngày hai, mà đó là câu chuyện dài hơi của sự bảo tồn và nâng cao thu nhập cho người dân”.
Anh Y Samuel Mlô (TP. Buôn Ma Thuột), một ca sĩ thường xuyên có những màn giao lưu với du khách tâm sự, phản hồi của du khách về sản phẩm du lịch từ âm nhạc khá tốt. Ngoài những ca khúc đã lên chương trình sẵn, du khách còn yêu cầu trình diễn các bài hát mang âm điệu dân ca Tây Nguyên, nhất là với những tác phẩm âm nhạc bằng tiếng Êđê. Anh nói thêm: “Nhiều du khách thật sự lắng nghe, hỏi về ý nghĩa của bài hát; sự đồng cảm, trân trọng đó càng giúp chúng tôi có động lực để gắn bó với nghề; trau dồi để tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn hơn nữa đến với du khách; đồng thời cũng bảo tồn văn hóa dân tộc để giữ gìn đến mãi về sau”.
Ánh Ngọc
Ý kiến bạn đọc