Multimedia Đọc Báo in

Lễ hội Thanh Minh của người Nùng An

05:59, 26/04/2023

Bắt nguồn từ xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng, theo chân những người Nùng An lên lập nghiệp trên quê hương mới ở xã Cư A Mung (huyện Ea H’leo), lễ hội Thanh Minh đã trở thành một nét đẹp văn hóa đối với người dân nơi đây…

Lễ hội Thanh Minh hay còn gọi hội Sinh Mình thường được tổ chức đúng tiết thanh minh hằng năm ở với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc.

Năm nay, lễ hội được tổ chức có chủ đề “Cư A Mung nơi hội tụ, giao lưu văn hóa các dân tộc và phát huy bản sắc văn hóa của người Nùng An”. Đến với lễ hội, người dân và du khách được tham quan nhà sàn truyền thống, ngắm nhìn vẻ đẹp của các thiếu nữ dân tộc Tày, Nùng, Dao… xúng xính trong những bộ trang phục truyền thống sặc sỡ và cùng thưởng thức những tiết mục nghệ thuật đậm chất của các dân tộc phía Bắc như đàn tính, hát then, múa xòe…

Những tiết mục văn nghệ đặc sắc tại lễ hội.

Sau tiếng trống khai hội, hàng nghìn người dân và du khách hào hứng tham gia các trò chơi dân gian như lày cỏ, kéo co, cờ tướng, bịt mắt bắt vịt…; cùng với đó là thưởng thức những món ăn truyền thống mang đậm phong cách của các dân tộc phía Bắc như: bánh dày, heo quay, khâu nhục… Chị Hoàng Thị Huyền, thôn 4B, xã Cư Mốt (huyện Ea H’leo) cho biết: “Để chuẩn bị cho Lễ hội Thanh Minh, Câu lạc bộ Hát then, đàn tính xã Cư Mốt mang đến và giới thiệu cho du khách 4 món ăn đặc trưng của dân tộc Tày là heo quay mắc mật, xôi ngũ sắc, bánh dày và bánh chuối. Trong đó món xôi ngũ sắc là một trong những món không thể thiếu trong dịp lễ, vì nó tượng trưng cho tình yêu thương và sự may mắn”.

Để duy trì nét đẹp văn hóa truyền thống trong cộng đồng dân tộc Nùng An, lễ hội này được UBND xã Cư A Mung duy trì tổ chức hằng năm. Một nét độc đáo của Lễ hội Thanh Minh tại đây còn có sự giao lưu văn hóa với đồng bào Gia Rai tại chỗ. Cùng với đàn tính, hát then, người dân có thể hòa nhịp với cồng chiêng, múa xoang trong lễ hội. Ông Y Wen Siu, Trưởng buôn Tơ Zoa, xã Cư A Mung (huyện Ea H’leo) bày tỏ: “Tham gia lễ hội Thanh Minh, bà con Gia Rai mang đến những điệu múa xoang, tiếng cồng chiêng cùng ché rượu cần để cùng giao lưu văn hóa, ẩm thực, thắt chặt thêm tình đoàn kết giữa các dân tộc đang sinh sống trên mảnh đất này”.

Giao lưu đàn tính, hát then.

Ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch UBND xã Cư A Mung cho biết, xã Cư A Mung hiện có khoảng 600 hộ người Nùng An sinh sống, chiếm gần 50% dân số. Mặc dù quy mô cấp xã, nhưng lễ hội diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa phong phú, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giao lưu văn hóa và góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Năm nay lễ hội thu hút đông đảo người dân và du khách, trong tỉnh tham gia. Lễ hội không chỉ gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa của dân tộc Nùng An trên vùng đất mới mà còn góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương.

Nguyễn Gia


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.