Nối tròn một vòng Việt Nam
“Nối vòng tay lớn” của Trịnh Công Sơn là bài hát được vang lên trên sóng phát thanh Sài Gòn vào thời khắc đầu tiên đất nước thống nhất, ngày 30/4/1975. “Bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam”, đó là khát vọng của cả dân tộc Việt Nam sau bao năm chia cắt.
“Nối vòng tay lớn” được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác vào năm 1968, sau khi cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân diễn ra ác liệt. Một năm sau, 1969, bài hát này được thu âm lần đầu bởi ca sĩ Khánh Ly trong băng nhạc “Hát cho quê hương Việt Nam 1”, gồm 25 bài của Trịnh Công Sơn. Bài hát được chính tác giả lĩnh xướng cùng đông đảo sinh viên tại trại hè Nối vòng tay lớn tổ chức tại biển Thuận An (Huế) vào ngày 24 và 25/4/1970. Cũng vào năm đó (1970), bài hát được xuất bản trong tập nhạc Kinh Việt Nam do chính Trịnh Công Sơn tự ấn hành và ghi là nhà xuất bản Nhân Bản.
Muốn có hòa bình thì phải thống nhất đất nước
Có mặt tại trại hè “Nối vòng tay lớn” 1970, ông Đoàn Nhuận, nguyên là cán bộ HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế, lúc bấy giờ là học sinh lớp 12 Trường Quốc học Huế đã kể lại sự ra đời nhạc phẩm “Nối vòng tay lớn” trên báo Người đại biểu nhân dân ngày 29/3/2008. Thầy giáo - nhà thơ Ngô Kha phát biểu khai mạc trại: “Chúng ta, tôi và các anh, chị đều mang trong tim bầu nhiệt huyết với tình yêu thương nồng nàn Tổ quốc mình, đồng bào mình, với nỗi căm hờn kẻ gây nên chiến tranh, chia cắt, hận thù... Tất cả chúng ta cùng nắm tay nhau đoàn kết để đấu tranh cho một ngày mai hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do, no ấm. Với tinh thần ấy, cuộc trại hôm nay của chúng ta lấy tên Trại nối vòng tay lớn. Trại ca là bài “Nối vòng tay lớn” do nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác”. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cầm đàn guitar bước lên nói: “Chúng ta cùng nhau tập và hát bài “Nối vòng tay lớn”. Trước hết tôi hát hai lần bài hát này để anh chị nghe”. Và nhạc sĩ cất lời: “Rừng núi dang tay nối lại biển xa, ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà. Mặt đất bao la anh em ta về gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng. Bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam...”. Lời ca hào hùng và thiết tha mang khát vọng thống nhất đất nước vang lên suốt hai ngày hội trại của những người trẻ nhiệt huyết, và từ đó vang lên mãi trên các giảng đường, trong những cuộc xuống đường đấu tranh của sinh viên, học sinh miền Nam.
Nhà phê bình văn học nghệ thuật Đặng Tiến (ở Pháp) trong bài “Trịnh Công Sơn tiếng hát hòa bình” đã nhận định: “Hòa bình là khát vọng chung của thanh niên và người dân thời đó, mà ca khúc Trịnh Công Sơn đã vang vọng qua những tiêu đề: Ngày mai đây bình yên, Cánh đồng hòa bình, Đồng dao hòa bình, và đặc biệt là Nối vòng tay lớn... Muốn có hòa bình thì phải thống nhất Nam Bắc. Năm ấy, bài hát thành công nhất là Nối vòng tay lớn”.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hát “Nối vòng tay lớn”. Ảnh tư liệu |
Vòng tay lớn đã được nối kết
Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái, nguyên chủ tịch đầu tiên của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, là một trong vài người có mặt tại Đài phát thanh Sài Gòn khi tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vào buổi trưa 30/4/1975. Ông và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là những người lên tiếng sớm nhất trên Đài phát thanh Sài Gòn để chào đón thời khắc hòa bình. Năm nay, Nguyễn Hữu Thái đã 83 tuổi, vẫn còn sống ở TP. Hồ Chí Minh. Trong hồi ức “Chuyện ít biết về ngày giải phóng Sài Gòn”, kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái đã thuật lại diễn biến khi Đài phát thanh Sài Gòn vang lên bài hát “Nối vòng tay lớn”: Sau khi tổng thống Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng vào buổi trưa 30/4/1974, đến khoảng 3 giờ chiều hôm đó, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã có mặt ở Đài phát thanh Sài Gòn và lên tiếng. “Hôm nay là ngày mơ ước của tất cả chúng ta. Đó là ngày chúng ta giải phóng hoàn toàn đất nước. Cũng như niềm mơ ước của các bạn bấy lâu là độc lập, tự do và thống nhất... Tôi xin hát lại bài hát “Nối vòng tay lớn”. Hôm nay, thực sự vòng tay lớn đã được nối kết”.
Dứt lời kêu gọi, Trịnh Công Sơn liền cất tiếng hát mà không cần nhạc đệm. Tất cả những người có mặt tại đài phát thanh vỗ tay, gõ nhịp và cùng nhạc sĩ hát vang: “Rừng núi dang tay nối lại biển xa. Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà”. Thật tuyệt vời, bài hát đầu tiên được phát lên sóng của Đài phát thanh Sài Gòn ngày thống nhất chính là “Nối vòng tay lớn”!
Dựng tình người trong ngày mới
Bài hát “Nối vòng tay lớn” được Trịnh Công Sơn viết trong những ngày chiến tranh đang diễn ra ác liệt. Khác với những bài nhạc phản chiến ông viết ra trong thời gian này mang âm hưởng đau buồn, bài “Nối vòng tay lớn” là một giai điệu vui tươi, mạnh mẽ. Tiết tấu sôi nổi theo nhịp đơn 2/4 của một bài hành khúc, như nhịp chân dồn dập của đoàn người. Đặc biệt là lời ca, thiết tha mà hào hùng, như một lời hiệu triệu toàn dân nước Việt, từ rừng núi đến biển xa, từ Bắc vô Nam, từ quê nghèo lên phố lớn, cả người sống lẫn người chết, hãy nắm chặt tay nhau tạo thành một vòng tròn thống nhất Việt Nam.
Và không chỉ nối vòng tay thống nhất nước Việt, bài hát còn mang ý nghĩa cao cả hơn, kêu gọi kết nối với thế giới, “dòng máu nối con tim đồng loại”, để “dựng tình người trong ngày mới”. Bài hát đã được một người Mỹ yêu nhạc Trịnh, tên là Richard Fuller, chuyển sang tiếng Anh với nhan đề “Great Circle of Vietnam” (Vòng tròn vĩ đại của Việt Nam). Trong lời phát biểu của Tổng thống Mỹ Barack Obama nhân chuyến thăm Việt Nam vào ngày 24/5/2016, ông đã nhắc đến bài hát này: “Hôm nay tôi đứng đây, vô cùng lạc quan về tương lai hai nước. Tôi có niềm tin về tình hữu nghị của người Việt Nam cũng như Mỹ, như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết: Nối vòng tay lớn, mở rộng tấm lòng mình ra”.
Với thông điệp hòa bình, hòa hợp, hòa đồng đó mà “Nối vòng tay lớn” đã thành bài hát không bao giờ thiếu trong những cuộc sinh hoạt cộng đồng trong suốt gần 50 năm qua. Trong nhiều chương trình ca nhạc, “Nối vòng tay lớn” cũng là ca khúc được lựa chọn để kết thúc trọn vẹn buổi diễn, hay nói cách khác, để mở ra một vòng tay lớn nối liền tình anh em, nghĩa đồng bào và tình người không giới hạn.
Minh Tự
Ý kiến bạn đọc