Multimedia Đọc Báo in

Thiêng liêng Đất Tổ

08:01, 29/04/2023

Trong một lần qua miền Tây Bắc, trên đường về xuôi, chúng tôi có dịp ghé thăm Phú Thọ - Phong Châu, vùng Đất Tổ thiêng liêng từ ngàn đời nay của những người con nước Việt, nằm bên bờ sông Thao thơ mộng, hữu tình. Về với Đất Tổ, khi đến dâng hương Đền thờ Mẫu Âu Cơ và Đền thờ các Vua Hùng, trong chúng tôi ai cũng trào dâng bao cảm xúc thiêng liêng khó tả.

Từ Đền Mẫu Âu Cơ

Từ TP. Việt Trì đi khoảng 80 km sẽ đến khu Đền Mẫu Âu Cơ nằm ở xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa. Đền Mẫu Âu Cơ tọa lạc trên một khu đồi bằng phẳng, rộng hơn 3 ha, được xem là nơi tụ hội khí thiêng trời đất, xa xa phía trước có dãy núi Giác làm án, sau lưng có vòng cung sông Thao làm long.

Theo truyền thuyết, khi chia tay với đức Lạc Long Quân, Mẹ Âu Cơ dẫn 50 con trai đi ngược sông Thao lên miền ngược, đến trang Hiền Lương thấy phong cảnh hữu tình mới dừng lại dạy dân làm ruộng, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, bồi đắp đường sá, bắc cầu, đào giếng lấy nước sạch ăn uống… Chừng mọi nhà đã biết làm ăn thành thạo, trở nên ấm no, khá giả rồi, Mẫu mới quyết định bay về trời. Để tránh khó khăn lúc chia tay, Mẫu nhờ thần thánh làm ra mưa to, gió lớn lúc nửa đêm ngày 25 tháng Chạp, rồi đằng vân. Mẫu vội vàng đến nỗi đánh rơi dải yếm vương vào ngọn đa cổ thụ cạnh giếng Loan và giếng Phượng.

Sáng hôm sau, dân trang không thấy Mẫu đâu nữa, rất lo lắng đổ xô đi tìm. Gần trưa, mọi người nhìn lên ngọn đa thấy có dải yếm vắt ngang, họ hiểu ra là Mẫu đã về trời. Dân trang liền lập đền thờ Mẫu ngay dưới tán đa, định lệ cầu cúng một năm hai lần vào ngày Tiên giáng mồng 7 tháng Giêng và ngày Tiên thăng 25 tháng Chạp âm lịch.

Thời phong kiến, các triều đại đã viết ngọc phả, sắc phong Âu Cơ Mẫu Vương. Năm 1991, Nhà nước ta đã công nhận Đền thờ Mẫu Âu Cơ là Di tích lịch sử quốc gia.

Trong khu Đền Mẫu Âu Cơ hiện có các kiến trúc chính như: Đền thờ Mẫu Âu Cơ dưới tán đa cổ thụ, Miếu Cô, Đền Mẫu Thượng Thiên, Nhà Tả mạc, Nhà Hữu mạc, ao sen, giếng Loan, giếng Phượng, Nhà lưu niệm, nhà khách, vườn cây…

Cùng chung dòng máu Lạc Hồng, mỗi dịp 10/3 âm lịch hằng năm, người dân Việt Nam từ khắp mọi miền hành hương về Đất Tổ Vua Hùng, bái vọng tưởng nhớ tổ tiên.

Đến Khu di tích lịch sử Đền Hùng

Đã nghe nói nhiều, nhưng đến khi được tận mắt chứng kiến, chúng tôi vẫn không khỏi choáng ngợp trước vị trí, quy mô của Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Khu di tích nằm trên núi Nghĩa Lĩnh (còn gọi là núi Hùng) ở xã Hy Cương, cách trung tâm TP. Việt Trì khoảng 7 km, là nơi thờ cúng các Vua Hùng và những nhân vật liên quan, bao gồm các công trình kiến trúc: Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng, Lăng Hùng Vương, Chùa Thiên Quang, Cột đá thề, Đền Giếng, Đền Tổ Mẫu Âu Cơ, Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân và Bảo tàng Hùng Vương.

Muốn đến được các khu đền thờ, tất cả mọi người đều phải đi bộ leo lên cả nghìn bậc đá hoặc bậc xây bằng gạch, uốn lượn theo những hàng cây đại thụ xanh mát. Từ chân núi Nghĩa Lĩnh rẽ qua Ðại môn (cổng đền), chúng tôi leo hết gần 300 bậc thang xây bằng gạch mới lên đến Đền Hạ với kiến trúc kiểu chữ nhị, gồm tiền bái và hậu cung. Tương truyền nơi đây Mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, nở thành trăm người con. Trước cửa Đền Hạ có cây thiên tuế, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường về tiếp quản Thủ đô Hà Nội đã nói chuyện với chiến sĩ của Đại đoàn Quân tiên phong: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".

Từ Đền Hạ, tiếp tục leo thêm khoảng 200 bậc đá nữa mới tới Đền Trung, có kiến trúc kiểu chữ nhất, gồm 3 gian. Tương truyền nơi đây các Vua Hùng cùng Hùng hầu, Hùng tướng thường ngắm cảnh, họp bàn việc nước và cũng là nơi Vua Hùng thứ 6 nhường ngôi cho Lang Liêu - người con hiếu thảo đã sáng tạo ra bánh chưng, bánh dày.

Từ Đền Trung đi tiếp hơn 100 bậc đá là tới Đền Thượng hay còn gọi là Kính thiên lĩnh điện (điện thờ Trời trên núi Nghĩa Lĩnh). Tại đây, các Vua Hùng đã thực hiện những nghi thức tế lễ trời đất, thần Núi và thần Lúa. Đền có kiến trúc kiểu chữ Vương, gồm các tòa: nhà chuông trống, đại bái, tiền tế và hậu cung. Nằm ở phía đông Đền Thượng là Lăng Hùng Vương - phần mộ của Vua Hùng thứ 6. Tương truyền, trước khi chết, nhà vua có dặn hãy chôn người trên núi cao để trông nom bờ cõi cho con cháu. Ngay phía trước lăng là Cột đá thề, tương truyền là nơi Thục Phán An Dương Vương khi được Vua Hùng nhường ngôi đã thề nguyện muôn đời bảo vệ giang sơn gấm vóc và đời đời hương khói họ Hùng.

Vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch hằng năm, người hành hương đi trẩy hội rất đông. Nhiều cụ già tuổi cao nhưng vẫn kiên nhẫn vượt qua cả nghìn bậc, đến thắp hương tất cả các điện thờ trong khu di tích. Thế mới biết, con dân đất Việt từ khắp mọi miền Tổ quốc luôn hướng về Đất Tổ, thành kính tưởng nhớ, biết ơn đến tổ tiên, tự hào về cội nguồn dân tộc như thế nào.

Tường Mạnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.