Đặc sắc nhà sàn Nùng An
Thôn Tân Thịnh, xã Tân Thành, huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) có 255 hộ với gần 1.000 nhân khẩu, trong đó hơn 50 hộ bà con dân tộc Nùng An với gần 300 nhân khẩu. Trưởng thôn Hoàng Văn Hòa tự hào: “Chắc không có nơi nào ở tỉnh Lâm Đồng còn nhiều nhà sàn như ở đây đâu”.
Bà con dân tộc Nùng, nhóm Nùng An, gốc ở tỉnh Cao Bằng, di cư vào tỉnh Lâm Đồng từ năm 1982 đến 1984. Ở Cao Bằng, người Nùng An chủ yếu cư trú tại bốn xã của huyện Quảng Uyên là Phúc Sen, Đoài Khôn, Quốc Dân, Tự Do. Xóm Nùng An của anh Hoàng Văn Hòa thuộc xã Đoài Khôn. Người Nùng An có truyền thống văn hóa lâu đời, có nhiều nét tương đồng với 9 nhóm còn lại: Nùng Giang, Nùng Phàn Sình, Nùng Inh, Nùng Lòi, Nùng Sí Kít, Nùng Khen Lài, Nùng Quí Rịn, Nùng Xìn (Nùng Xuồng) và Nùng Cháo.
Một ngôi nhà sàn ở xóm Nùng An. |
Xóm Nùng An Lâm Đồng cạnh đường ĐT 724, nối Quốc lộ 20 đến tỉnh Đắk Nông. Họ mang theo đến vùng đất Nam Tây Nguyên nhiều nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, ấn tượng nhất là nhà sàn. Khi mới vào lập nghiệp, 100% hộ đều làm nhà sàn, nay đời sống kinh tế khấm khá, nhiều hộ đã dỡ nhà sàn làm nhà kho. Tuy nhiên, vẫn còn 8 ngôi nhà sàn trở thành điểm nhấn về văn hóa đặc sắc của dân tộc Nùng ở Lâm Đồng, đó là nhà sàn của các hộ ông Triệu Văn Bình, bà Lương Thị Liễu, ông Nông Văn Hạnh, ông Nông Văn Nhiên, bà Lâm Thị Năm, ông Lê Văn Phóng, ông Nông Văn Lèm và ông Nông Văn Tâng.
Để mỗi ngôi nhà sàn hoàn công như mong muốn, cộng đồng dân tộc Nùng chung tay cùng làm trong mấy tháng trời, theo hình thức đổi công. Tuy mái chỉ lợp loại ngói ở Lâm Đồng, không có loại ngói úp như ở Cao Bằng, nhưng cấu trúc và thiết kế nhà sàn đều giữ nguyên kiến trúc nhà sàn Nùng ở Cao Bằng. Anh Hòa cho biết, đã có những doanh nghiệp làm du lịch đến hỏi mua với giá từ 200 - 300 triệu đồng trở lên mỗi ngôi nhà sàn. Nhưng không ai bán, bà con giữ yên trong khuôn viên nhà mình để làm kỷ niệm, mặc dù đều đã có nhà xây bên cạnh. Công năng của nhà sàn vẫn được phát huy, ở, sinh hoạt lễ, Tết, kho tàng…
Những ngôi nhà sàn ở xóm Nùng An. |
Theo chân Trưởng thôn Hoàng Văn Hòa, tôi đến nhà ông bà Triệu Văn Bình và Nông Thị Sẻn. Đây là ngôi nhà sàn có diện tích lớn nhất xóm Nùng An với 5 gian, diện tích mặt sàn rộng hơn 250 m2, trong đó chiều sâu khoảng 17 m, chiều ngang khoảng 15 m. Kết cấu 4 mái ngói, 2 sàn gỗ lát ván dày 5 cm, tầng trệt làm kho đựng củi, máy cày, xe công nông, xe máy... Ở tầng thứ nhất bố trí bếp, phòng ngủ, phòng khách và một phần gia chủ quây lưới nuôi tằm. Tầng trên cùng để trống vì nhà có ít người. Ngôi nhà sàn có hai cửa, cửa chính hướng nam, cửa phụ phía sau, hướng tây bắc. Gian trung tâm ngôi nhà ngăn vách ván, phía trước là ban thờ, phía sau là bếp, giữ nguyên cấu trúc nội thất của người Nùng. Bếp được hạ thấp hơn sàn gỗ, trát lớp đất dày và trên gác bếp là kho trữ lương thực, thực phẩm như thịt hun khói… Xung quanh nhà đều đóng ván xếp lớp, hai hồi xếp ngang, phía trước xếp dọc, mưa không thể hắt vào. Đặc biệt nhà có 36 cột gỗ cà chít, đường kính từ 25 - 30 cm. Cầu thang 7 bậc là lên đến mặt sàn nhà, hệ thống cột đều kê khối đá xanh vuông vắn. Càng đặc biệt, các cột giữa nguyên cây gỗ cao 8 m, không chắp nối; xà dọc, xà ngang cũng là cây gỗ liền thớ có chiều dài hơn 10 m, chiều rộng 20 cm và độ dày 4 cm. Đỡ bốn mái ngói cũng bằng hệ thống gỗ rui mè có khẩu độ rất dày.
Phía sau là ngôi nhà xây ba tầng lớn được gia đình cất năm 2017. Ông Bình, bà Sẻn ở nhà xây còn nhà sàn nhường gia đình con trai út là Triệu Văn Trường. Anh Trường nói: “Ở nhà sàn thoáng mát hơn. Nhà xây thì sạch sẽ nhưng không thường xuyên quét dọn thì lại bẩn. Nhà sàn này là vật kỷ niệm của ông bà, cái văn hóa người Nùng mà”.
Thôn trưởng Hoàng Văn Hòa sinh năm 1970, rất năng nổ. Anh không giấu niềm tự hào khi nói về đời sống khá giả của bà con Nùng An, thuộc nhóm đầu của xã nông thôn mới Tân Thành. Nơi quê mới Tây Nguyên, họ cùng nhau đi lên từ sản xuất nông nghiệp, mức thu nhập bình quân đầu người/năm cao hơn mặt bằng xã, trên 50 triệu đồng. Không có hộ nghèo hay cận nghèo. Không có người trong độ tuổi đi học thất học, nhiều thanh niên đã tốt nghiệp đại học đi làm ở TP. Hồ Chí Minh…
Tĩnh Xuyên
Ý kiến bạn đọc