Multimedia Đọc Báo in

Giữ hương rượu cần truyền thống

09:14, 17/01/2024

Cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về, người dân buôn Alê A, phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột) lại tất bật chuẩn bị những ché rượu cần say nồng cho du khách gần xa. Nghề làm rượu cần truyền thống của dân tộc Êđê nơi đây đã được người dân gìn giữ và trở thành nghề mưu sinh qua bao thế hệ…

Được truyền dạy cách làm rượu cần truyền thống từ rất sớm, bà H’Li H’đơk (SN 1962) với hơn 40 năm làm rượu được xem là một bậc thầy làm rượu cần trong buôn. Theo bà H’Li, nguyên liệu đều từ lá, vỏ cây rừng, cơm nguội, trấu và nguồn nước tinh khiết, nhưng bí quyết để tạo nên hương vị đặc trưng chính là những cách lên men khác nhau.

Bà H’Li H’đơk (bên trái) chuẩn bị những ché rượu cần giao cho khách đặt trong dịp Tết này.

Sau gần chục năm gây dựng thương hiệu, rượu cần của buôn Alê A đã đến tay người tiêu dùng trong cả nước. Dịp Tết năm nay, nhiều khách hàng ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai… đã đặt trước hơn 6 tháng. Có nhiều loại ché, trong đó nhỏ nhất là 5 lít, ché lớn đến 20 lít với giá từ 300.000 - 1.000.000 đồng/ché. Đặc biệt, có những mẻ rượu được ủ trong ché cổ thì có giá cao hơn nhưng khách chỉ được chiết rượu dùng riêng. Nhiều người dân trong buôn cũng nhờ làm rượu cần mà có điều kiện để tăng thêm thu nhập dịp cuối năm.

Bên cạnh rượu cần truyền thống, những năm trở lại đây, cũng vào dịp Tết, nhiều du khách cũng tìm đến buôn Alê A để thưởng thức và đặt mua rượu chòi mòi, một cây thân gỗ, thường mọc trong rừng, quả có màu xanh, khi chín thì màu đỏ tím. Theo già Khăm Sao Niê, từ lâu quả chòi mòi xanh thường được người dân giã nhuyễn cùng với muối và ớt để làm thức chấm; quả chín được rửa sạch và đem ủ trong ché, lên men lâu ngày thành rượu. Chòi mòi sau khi thu hoạch về, rửa sạch, lên men và ủ trong ché khoảng nửa năm để rượu có màu tím đậm. Rượu khi thưởng thức sẽ có vị ngọt, chát nhẹ cùng hương thơm quyến rũ. Giá cũng rất bình dân từ 80.000 - 120.000 đồng/lít.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Bí thư Chi bộ buôn Alê A giới thiệu những đặc trưng của rượu Po Cir của buôn Alê A.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Bí thư Chi bộ buôn Alê A cho biết, buôn Alê A hiện có 405 hộ với 1.611 khẩu, trong đó có 189 hộ dân tộc Êđê với 756 khẩu. Hiện toàn buôn có hơn 20 hộ người dân tộc Êđê cùng liên kết làm nghề ủ rượu cần truyền thống và chòi mòi. Không chỉ phục vụ nhu cầu thị trường trong dịp Tết, để tạo thị trường ổn định, lâu dài, buôn cũng đang có kế hoạch đăng ký sản phẩm OCOP cho sản phẩm rượu chòi mòi, qua đó góp phần quảng bá, phát triển thương hiệu, tăng giá trị của các sản phẩm truyền thống trong buôn.

Nguyễn Gia


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.