Thức cùng cồng chiêng
Được Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Không gian Văn hóa cồng chiêng là một điểm nhấn về văn hóa, du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của vùng đất Tây Nguyên.
Từ bao đời nay, thanh âm cồng chiêng như mạch nước ngầm len lỏi trong tâm tưởng, là hơi thở cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
Theo quan niệm của người Tây Nguyên, cồng chiêng là ngôn ngữ giao tiếp hàng đầu của con người với thần linh và thế giới siêu nhiên. Nó được coi là biểu hiện cho tài sản, quyền lực trong mỗi gia đình và cộng đồng. Thanh âm cồng chiêng theo suốt cuộc đời của mỗi người.
Mỗi sự kiện, tiếng chiêng cất lên với giai điệu, âm vang khác nhau, thế nhưng tất cả đều gắn với đời sống hằng ngày của cư dân bản địa, nói lên tiếng lòng, tâm tư, tình cảm; gửi gắm những lời cầu nguyện, những mong mỏi của con người đến với thế giới tâm linh.
Đội chiêng trẻ buôn Kotam biểu diễn tại Chợ phiên Buôn Ma Thuột. |
Ngày nay, không chỉ trong những dịp lễ hội, mà cồng chiêng đã đến gần hơn trong đời sống của cộng đồng các dân tộc anh em cùng chung sống trên mảnh đất Tây Nguyên. Hòa trong dòng chảy cuộc sống, giữa đô thị nhộn nhịp, tiếng cồng chiêng lại ngân vang trong những đêm hội ở Ngã Sáu Buôn Ma Thuột; ngày hội Chợ phiên hằng cuối tuần; cả trong những khu du lịch, nhà dài đón khách du lịch đặt chân đến... Cứ thế, tiếng cồng chiêng rộn rã, kết nối con người xích lại gần nhau, giao lưu văn hóa, bồi đắp tâm hồn, cuộc sống.
Có thể nói, cùng với văn hóa rượu cần, thổ cẩm, nhà dài, Không gian Văn hóa cồng chiêng đã trở thành tài sản vô giá trong đời sống tinh thần đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Cùng với nỗ lực của các nghệ nhân, già làng, những người nặng lòng với văn hóa truyền thống của dân tộc thì các cấp chính quyền cũng đồng hành triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để bảo tồn, lan tỏa văn hóa cồng chiêng. Trong đó, phải kể đến việc tổ chức các lớp truyền dạy đánh chiêng cho thanh thiếu niên các buôn đồng bào dân tộc thiểu số, các trường học trong tỉnh để trẻ hóa lớp nghệ nhân kế cận.
Những lớp truyền dạy này ngày càng thu hút sự quan tâm tham gia tích cực của các em học sinh, sinh viên, không chỉ giúp tiếp nối, bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc mà còn góp phần lan tỏa giá trị di sản Không gian Văn hóa cồng chiêng.
Đội chiêng buôn Tring, phường An Lạc (thị xã Buôn Hồ) tham gia Ngày hội đại đoàn kết toàn dân năm 2023. |
Bên cạnh đó, việc bảo tồn, lan tỏa văn hóa cồng chiêng còn được lưu giữ, phát huy qua những hội thi, hội diễn các cấp. Liên hoan các đội chiêng trẻ TP. Buôn Ma Thuột lần thứ I năm 2023 vừa tổ chức mới đây có sự tham gia của hơn 250 thí sinh, nghệ nhân trẻ đến từ các buôn làng trên địa bàn, trong đó, có em chỉ vừa tròn 10 tuổi. Theo đánh giá của ban tổ chức, hầu hết các tiết mục biểu diễn khá nhuần nhuyễn, bài bản và chuyên nghiệp. Đó có thể xem là thành quả, là “trái ngọt” trong công tác truyền dạy, gìn giữ và bảo tồn văn hóa cồng chiêng ở Đắk Lắk suốt những năm qua...
Là một trong những thành viên của Đội chiêng trẻ Kotam (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột), em Thái Việt Êban tự hào nói: “Từ nhỏ, thấy người lớn trong buôn đánh chiêng em rất thích. Đến khi lớn, có dịp được học đánh chiêng em càng say mê. Chỉ sau vài buổi học em đã làm quen và có thể đánh được bài chiêng cơ bản. Đến nay, em có thể đánh được nhiều loại chiêng và thường xuyên cùng các thành viên trong đội đi giao lưu, biểu diễn ở các chương trình, sự kiện và cả những hội thi, hội diễn”. Đến nay, sau hơn 5 năm gắn bó với cồng chiêng, niềm đam mê của Thái Việt Êban đã truyền sang cho người em trai của mình...
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc