Multimedia Đọc Báo in

Cuộc hoàn nguyên của hai pháp khí thuộc Bảo vật quốc gia tượng Bồ tát Tara

06:21, 10/03/2024

Ngày 9/12 vừa qua, TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã tiến hành bàn giao và tiếp nhận hai chi tiết là hai pháp khí con ốc và đóa sen của bức tượng Bồ tát Tara. Với sự kiện chuyển giao này, Bảo vật quốc gia tượng Bồ tát Tara đứng trước cuộc hoàn nguyên lịch sử sau hơn 40 năm bức tượng gốc thất lạc hai chi tiết.

Việc chuyển giao hai pháp khí giúp bức tượng trở về dáng vẻ ban đầu sẽ mang ý nghĩa trọn vẹn trong nghiên cứu và thưởng lãm.

Bảo vật quốc gia tượng Bồ tát Tara.

Cách đây 45 năm, vào năm 1978, một nhóm dân làng Đồng Dương (xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình) tình cờ phát hiện pho tượng Bồ tát Laskmindra Lokesvara (còn gọi là tượng Bồ tát Tara) bằng đồng lớn được chôn giấu tại di tích Phật viện Đồng Dương.

Ngay sau khi được phát hiện, pho tượng này được đưa về Ty Văn hóa Thông tin Quảng Nam - Đà Nẵng. Cũng trong năm 1978, một nhóm dân làng thôn Đồng Dương tiếp tục phát hiện hai chi tiết là đóa sen và con ốc được xác định là chi tiết của tượng Bồ tát Tara. Sau đó, UBND xã Bình Định (nay là xã Bình Định Bắc) thu hồi, cất giữ hai chi tiết này…

Từ năm 1978 đến nay, đóa sen và con ốc được lãnh đạo xã Bình Định trước đây và Bình Định Bắc sau này thay nhau cất giữ.

Ngày 22/5/2019, UBND tỉnh Quảng Nam có công văn về việc tiếp nhận, quản lý hai chi tiết của tượng Bồ tát Tara, Đồng Dương; trên cơ sở đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam đã chỉ đạo Bảo tàng Quảng Nam tiến hành các thủ tục tiếp nhận, bảo quản tạm thời hai chi tiết của tượng Bồ tát Tara theo đúng quy định. 

Theo các nhà khảo cổ học, việc dân làng Đồng Dương vô tình phát hiện tượng đồng Bồ tát Tara được xem như một phát hiện quan trọng và đây cũng chính là hiện vật mà các nhà khảo cổ học người Pháp dày công tìm kiếm trong đợt khai quật khảo cổ học quy mô lớn từ hơn 100 năm trước.

Nội dung trong Hồ sơ công nhận bảo vật quốc gia của Cục Di sản văn hóa ghi rõ: “Tượng Bồ tát Tara bằng đồng có kích thước lớn, tượng được tìm thấy tại di tích Đồng Dương, là hiện vật tiêu biểu đặc trưng cho việc thờ Bồ tát tại Phật viện Đồng Dương (Phật viện lớn nhất của Vương quốc Chămpa) và là hiện vật tiêu biểu cho một phong cách nghệ thuật quan trọng của điêu khắc Chămpa cổ (phong cách Đồng Dương), một phong cách mang đậm bản sắc bản địa và nhiều tính sáng tạo trong giai đoạn phát triển là đỉnh cao của nghệ thuật Chămpa…”.

Bức tượng được đánh giá không chỉ là tượng đồng lớn nhất của nghệ thuật Champa mà còn là một trong những tượng đồng quan trọng bậc nhất Đông Nam Á, niên đại được xác định vào khoảng giữa thế kỷ thứ 9, tuổi đời khoảng 1.200 năm.

Chính bởi giá trị tiêu biểu và độc đáo, tượng Bồ tát Tara đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia vào tháng 10/2012 theo Quyết định số 1426/QĐ-TTg. Đây là một trong 30 cổ vật đầu tiên được công nhận bảo vật quốc gia.

Đóa sen và con ốc - hai pháp khí cầm tay của tượng Bồ tát Tara.

Để tượng Bồ tát Tara được hoàn chỉnh như dáng vẻ vốn có ban đầu và phát huy tốt nhất giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của hiện vật, sau khi có ý kiến của Cục Di sản văn hóa, tháng 9/2023, UBND tỉnh Quảng Nam đã đồng ý chuyển giao hai chi tiết liên quan đến bức tượng đang được lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Nam cho Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.

Ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cho biết: “Sau khi tiếp nhận hai chi tiết đóa sen và con ốc do Bảo tàng Quảng Nam chuyển giao, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng sẽ bảo quản cẩn thận trong điều kiện tốt nhất như đã và đang bảo quản Bảo vật quốc gia Tượng Bồ tát Tara. Bảo tàng sẽ áp dụng thủ pháp trưng bày tiên tiến, khoa học và hiện đại để trưng bày hai chi tiết này; đồng thời nâng cao giá trị và sức hút của Bảo vật quốc gia tượng Bồ tát Tara, góp phần thu hút khách đến thưởng lãm bức tượng nói riêng và tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng nói chung…”.

An Trường


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khởi sắc xã vùng sâu Ea Sin
Ea Sin là xã đặc biệt khó khăn của huyện Krông Búk hiện đang đổi thay nhờ những dự án hỗ trợ hiệu quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.