Multimedia Đọc Báo in

Những nghiên cứu quý giá về di sản triều Nguyễn

09:13, 29/03/2024

Triều Nguyễn – triều đại quân chủ cuối cùng ở Việt Nam, trải qua 143 năm tồn tại đã để lại một hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đồ sộ trên đất Cố đô Huế, tác động và ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa và con người xứ Huế.

Sự độc đáo, đặc sắc riêng có của di sản vương triều Nguyễn trên đất Huế đã được Tổ chức Khoa học – Văn hóa – Giáo dục Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận bằng việc vinh danh 5 Di sản văn hóa nhân loại gồm: Quần thể di tích Cố đô Huế (1993), Nhã nhạc cung đình Huế (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014), Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế (2016).

 

Trong nhiều thập niên qua, di sản triều Nguyễn trên đất Cố đô Huế đã thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu, học giả có uy tín trong và ngoài nước quan tâm, đầu tư công sức nghiên cứu, tìm hiểu nhằm khẳng định những giá trị mà triều Nguyễn đã để lại. Trong số đó, đã có rất nhiều bài viết, công trình nghiên cứu công phu, với nhiều kiến giải, nhận định mang hàm lượng khoa học, thực tiễn cao được chọn đăng tải, công bố trên Tạp chí Nghiên cứu và phát triển (Viện Nghiên cứu và phát triển Thừa Thiên - Huế).

Nhận thấy giá trị và sự lan tỏa từ mảng nghiên cứu này, trong nhiều năm qua, Tạp chí Nghiên cứu và phát triển đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tiến hành tuyển chọn những công trình tiêu biểu để xuất bản thành “Tuyển tập những bài nghiên cứu về triều Nguyễn” nhằm phục vụ nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu chuyên sâu về Huế và triều Nguyễn. Tập 1 đã được xuất bản vào năm 2002 với 95 bài viết được tuyển chọn trong 32 số tạp chí phát hành từ 1991 – 2002, được giới nghiên cứu đón nhận, đánh giá cao. Tiếp nối thành công đó, năm 2023, Tạp chí Nghiên cứu và phát triển tiếp tục tuyển chọn 70 bài nghiên cứu được đăng tải từ năm 2002 – 2012 để xuất bản tập 2 với dung lượng lớn (hơn 1.000 trang in khổ 16 x 24 cm) và được Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành, ra mắt bạn đọc vào cuối năm 2023.

“Tuyển tập những bài nghiên cứu về triều Nguyễn” tập 2 tập trung vào phân tích, nhận diện những vấn đề về triều Nguyễn trên các lĩnh vực, thành tựu mà triều Nguyễn đã để lại gồm: Chính trị - Quân sự - Ngoại giao; Tài chính – Khoa học kỹ thuật; Lễ - Nhạc; Văn học – Nghệ thuật; Xây dựng – Kiến trúc; Di tích; Cổ vật; Nhân vật; Luật lệ - Hậu cung; Làng xã – Thành thị và các tư liệu quý hiếm có liên quan… của nhiều học giả, nhà nghiên cứu văn hóa – lịch sử có tên tuổi trong và ngoài nước như: Nguyễn Duy Chính, Trịnh Bách, Nguyễn Đình Đầu, Võ Hương An, Vĩnh Cao, Phan Thuận An, Lê Nguyễn Lưu, Trần Đại Vinh, Nguyễn Đắc Xuân, Trần Đức Anh Sơn, Phan Thanh Hải, Nguyễn Quang Trung Tiến, Huỳnh Thị Anh Vân…

Những bài được tuyển chọn để in trong tập sách là kết quả của quá trình nghiên cứu, điền dã, tập hợp, đối sánh từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau, dưới những góc nhìn, đánh giá, phân tích, luận giải và rút ra những kết luận… có giá trị khoa học và thực tiễn cao, phù hợp với yêu cầu, mục tiêu nghiên cứu. Những kết quả nghiên cứu này là tiền đề, cơ sở quan trọng, góp phần gợi mở, định hướng các giải pháp về cơ chế, chính sách trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa – lịch sử triều Nguyễn, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là văn hóa – du lịch – dịch vụ, nhằm góp phần xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương  dựa trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/2019-TW của Bộ Chính trị.

Minh Đăng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.