Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số
Dự án số 6 "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số (DTTS) gắn với phát triển du lịch" (gọi tắt là Dự án 6) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được triển khai với những hoạt động thiết thực, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.
Đa dạng các hoạt động
Mục tiêu của Dự án 6 là nhằm khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào DTTS và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Ông Lại Đức Đại, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) cho biết, trên cơ sở đó, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở VHTT&DL đã xây dựng kế hoạch thực hiện Dự án 6 theo từng năm cụ thể, nhằm phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Câu lạc bộ Văn hóa truyền thống dân tộc Tày, Nùng, Mường xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) biểu diễn tại chương trình tập huấn. |
Trong năm 2022 - 2023, Sở VHTT&DL cùng với ngành chức năng, chính quyền các huyện, thành phố và cấp cơ sở đã tích cực triển khai một số hoạt động như: thành lập Câu lạc bộ (CLB) sinh hoạt văn hóa dân gian về dệt thổ cẩm truyền thống của người Êđê tại buôn Drai Hling (xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột); tổ chức lớp truyền dạy kỹ năng đánh chiêng, tại buôn Drai Điết và buôn Choăh (xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo); hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể (nghề làm gốm thủ công) của người M’nông tại buôn Dơng Băk (xã Yang Tao, huyện Lắk)… cùng rất nhiều hoạt động khác với kinh phí hơn 6,2 tỷ đồng.
Trong đó, Sở VHTT&DL phối hợp với các cấp, ngành và địa phương đã thành lập được 35 đội, CLB văn nghệ truyền thống, văn hóa dân gian tại các thôn, buôn trên địa bàn tỉnh. Các CLB được thành lập và đi vào hoạt động đã góp phần làm phong phú thêm hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng tại các địa phương, đồng thời nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.
Phát huy mô hình câu lạc bộ
Đồng bào DTTS phía Bắc như người Tày, Nùng, Mường ở thôn Cao Thắng (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) dù vào đây sinh sống đã lâu nhưng vẫn giữ gìn nhiều nét đẹp văn hóa như: chiêng của người Mường; đàn tính, hát then của người Tày, Nùng… CLB Văn hóa truyền thống dân tộc Tày, Nùng, Mường xã Ea Kao được thành lập vừa qua đã tạo sân chơi yêu thích cho bà con nơi đây.
CLB có 52 thành viên, được tham gia lớp tập huấn do Sở VHTT&DL tổ chức với những nội dung như hướng dẫn, truyền dạy kỹ năng về các nội dung tổ chức, hoạt động, duy trì sinh hoạt phát triển mô hình CLB; truyền dạy kỹ năng hát then, đàn tính của dân tộc Tày, Nùng, diễn tấu một số bài chiêng dân tộc Mường; giới thiệu, thảo luận về văn hóa truyền thống…
CLB Văn hóa truyền thống dân tộc Tày, Nùng, Mường xã Ea Kao tổ chức sinh hoạt cộng đồng. |
Ông Bùi Văn Cát, Chủ nhiệm CLB tâm tình: “CLB được thành lập, chúng tôi rất vui vì vừa có điều kiện để tập luyện, vừa tạo nên ý thức gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc cho các thành viên và các thế hệ, nhờ đó mà đời sống văn hóa tinh thần cũng được nâng cao…”.
Tương tự, CLB Văn hóa dân gian dân tộc Thái (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) được thành lập vào cuối năm 2023 cũng đã mang đến niềm vui cho người dân tộc Thái nói riêng và người dân nơi đây nói chung.
Bà Lò Thị Thanh Nga, một thành viên của CLB cho hay: “Văn hóa của người dân tộc Thái rất phong phú và đa dạng. Trước đây, bà con người Thái nơi đây vẫn sinh hoạt cộng đồng, vẫn tham gia các ngày hội, ngày truyền thống, nhưng chủ yếu theo nhóm lẻ tẻ. Nay CLB thành lập đã tạo một bước tiến mới, thống nhất một đầu mối nên người dân rất hồ hởi, đã có 28 thành viên đến từ bốn thôn 1, 4, 9, 10 trên địa bàn xã tham gia”.
Định kỳ hằng tuần, các thành viên tụ họp giao lưu văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật Xòe Thái đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2021.
“Thời gian tới, CLB sẽ thực hiện khôi phục lại những nét văn hóa của dân tộc Thái có nguy cơ mai một trong đời sống hiện đại, như tiếng nói và chữ viết, trang phục, đặc biệt là giới thiệu ẩm thực đến đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh...", ông Lương Văn Hùng, Chủ nhiệm CLB dân tộc Thái thông tin.
CLB cũng đã được các nghệ nhân có kinh nghiệm hướng dẫn, truyền dạy về văn hóa dân gian dân tộc Thái, được hỗ trợ mua sắm một số vật dụng hoạt động như trang phục, đàn tính, đàn nhị, sáo trúc, trống, chiêng để tổ chức hoạt động.
Ông Lại Đức Đại, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL bày tỏ, với những hỗ trợ ban đầu, CLB sẽ phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của Nhà nước, xã hội và cộng đồng vào công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Thái, gắn với phát triển du lịch nhằm tạo ra nguồn thu nhập cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Trong năm 2024, Sở VHTT&DL tiếp tục thực hiện Dự án 6 với các hoạt động như khảo sát, kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể toàn tỉnh; tổ chức bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống tiêu biểu các DTTS nhằm khai thác, xây dựng sản phẩm du lịch; tổ chức truyền dạy văn hóa phi vật thể; hỗ trợ các đội văn nghệ truyền thống tại các thôn, buôn vùng đồng bào DTTS và miền núi… với kinh phí hơn 4 tỷ đồng. |
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc