Truyền dạy văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ
Nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, thời gian qua nhiều lớp tập huấn, truyền dạy văn hóa dân tộc được tổ chức trên địa bàn tỉnh đã thu hút đông đảo lớp trẻ người dân tộc thiểu số (DTTS).
Trong dịp hè này, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Buôn Ma Thuột tổ chức 2 lớp truyền dạy cồng chiêng và 2 lớp múa xoang, mỗi lớp khoảng 30 học viên đến từ các buôn trên địa bàn thành phố.
Bà Phạm Thị Hải Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Buôn Ma Thuột cho hay: “Trước khi mở lớp, chúng tôi đã khảo sát nhu cầu thực tế từ chính các chủ thể văn hóa. Ngoài việc truyền dạy đánh cồng chiêng và múa xoang cơ bản cho những bạn mới bắt đầu học thì năm nay có thêm lớp nâng cao giúp các em bổ sung kiến thức, kỹ năng, nâng cao trình độ. Mỗi buôn chỉ khoảng 3 - 4 học viên theo học nhưng đó chính là những hạt giống, vừa có niềm đam mê, vừa có khả năng trau dồi kiến thức”.
Học viên lớp múa xoang do Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Buôn Ma Thuột tổ chức tập luyện. |
H’Zu Ni Niê (buôn Akô Dhông) là một học viên của lớp múa xoang nâng cao bày tỏ: “Em là học viên của lớp truyền dạy múa xoang năm 2022; năm nay tiếp tục học lớp nâng cao. Những kiến thức được học tập, rèn luyện lần này rất mới mẻ. Như múa kông tua, một điệu múa mà lần đầu tiên em được tiếp xúc; từ những điệu truyền thống này, chúng em có thể kết hợp để mang đến những tiết mục hấp dẫn hơn”.
Mỗi lớp học diễn ra trong thời gian không dài nhưng phù hợp và hiệu quả. Các bạn trẻ không chỉ được học cách đánh cồng chiêng, múa xoang mà còn được thế hệ đi trước truyền dạy về những truyền thống tốt đẹp của buôn làng gắn liền với Không gian Văn hóa cồng chiêng; được cùng đội, bạn bè tham gia diễn tấu, giao lưu ở các chương trình. Vừa học, vừa thực hành đã giúp các học viên yêu thích, gắn bó với văn hóa truyền thống.
Ngoài các chương trình truyền dạy do các ban, ngành hỗ trợ thì nhiều người dân say mê văn hóa truyền thống cũng tự trau dồi và trao truyền những giá trị này cho các thế hệ sau. Như anh Thái Quang Êban (dân tộc Êđê, ở buôn Ko Tam, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) đã đứng ra mở lớp dạy đánh chiêng cho các thanh thiếu niên trong buôn.
Lớp truyền dạy đánh chiêng cho thanh thiếu niên trong buôn do anh Thái Quang Êban (buôn Ko Tam (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) mở. |
Từ bé, anh Quang đã theo cha mẹ tham gia các lễ hội của buôn; rồi đam mê cồng chiêng và quyết tâm học đánh cho bằng được. Nhận thấy văn hóa cồng chiêng của đồng bào mình có nguy cơ bị mai một, anh đã mở lớp truyền dạy miễn phí và vận động thanh thiếu niên trong buôn tham gia lớp học. Anh Quang còn phục dựng lại ngôi nhà dài truyền thống để làm nơi sinh hoạt, học tập cho các em.
Đội cồng chiêng do anh Thái Quang truyền dạy thu hút hơn 20 bạn trẻ trong buôn Ko Tam tham gia. Đều đặn hằng tuần, các em đều dành ra hai ngày để học và rèn luyện các kỹ năng đánh cồng chiêng. Đến nay, sau ba tháng học, mỗi thành viên đều có thể tự tin thể hiện các bài chiêng truyền thống của dân tộc mình và tham gia biểu diễn tại một số khu du lịch trong tỉnh. Anh Quang dự định sắp tới sẽ tiếp tục mở lớp truyền dạy cồng chiêng miễn phí cho các bạn trẻ từ 20 - 30 tuổi trong buôn để gìn giữ và lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Êđê.
Có thể nói, những lớp học như thế này đã giúp lớp trẻ hiểu hơn, yêu hơn và có ý thức về trách nhiệm của cá nhân trong việc phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình. Họ trở thành những hạt nhân nòng cốt hình thành nên những đội cồng chiêng ở các buôn, duy trì luyện tập, thường xuyên biểu diễn phục vụ các sự kiện, phục vụ nhân dân địa phương.
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc