Multimedia Đọc Báo in

“Kho báu” của kiến trúc sư Nguyễn Quốc Học

08:40, 10/11/2024

Kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Quốc Học (SN 1983, ở TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) được biết đến là người đa tài “cầm, kỳ, thi, họa”, không chỉ nổi tiếng là một KTS tài hoa mà còn là một nhạc sĩ, nhà thơ, nhà văn và trở thành cái tên quen thuộc trong các hoạt động văn học, nghệ thuật ở khu vực Tây Nguyên.

Riêng đối với tôi, ấn tượng nhất về KTS Nguyễn Quốc Học là niềm đam mê sách thuộc vào diện “xưa nay hiếm”.

Một lần tôi đã “mắt tròn mắt dẹt” khi Học khoe: “Em vừa về TP. Hồ Chí Minh lùng mua ở các tiệm sách cũ được tập thơ “Ngày sanh của rắn” của triết gia Phạm Công Thiện với giá hơn 10 triệu đồng”. Một tập thơ cũ mỏng dính, chỉ vài chục trang mà dám bỏ ra cả chục triệu đồng để sở hữu thì phải nói cái thú chơi sách của Học thuộc vào hàng “cao thủ”.

Khi đàm đạo, Học say sưa kể về thú chơi sách và quá trình sưu tầm, với việc tốn không ít công của để có thể sở hữu nhiều cuốn sách vào dạng quý hiếm. Học cho rằng, cũng như bao thú chơi tao nhã khác, người chơi sách phải “khoanh vùng” cần quan tâm để đeo đuổi. Có người chơi sách theo chủ đề về nhà xuất bản hay tác giả mà mình yêu thích. Không dễ gì mà có được một nơi lưu trữ tư nhân để có được vài ngàn cuốn sách đa dạng chủ đề, nên Học xem đây là một gia tài lớn hiện nay.

Học tâm sự, khi nói đến văn hóa đọc sách ở Việt Nam thì cụ Vương Hồng Sển có hẳn một chuyên luận khá hay, đó là cuốn “Thú chơi sách” do Nhà xuất bản Tự Do ấn hành năm 1960. Mọi người hay gọi cụ là “Vương tiên sinh” bởi sự hiểu biết của cụ qua những thú chơi tao nhã, truyền thống như cổ ngoạn, đồ gốm sứ, chơi cá lia thia, đá gà… Tất cả được cụ viết trong 6 tập “Hiếu cổ đặc san” xuất bản năm 1970 - 1972. Với bất kỳ ai khi nhắc đến văn hóa đọc đều muốn sở hữu bộ sách quý này của cụ.

Đi sâu nét đẹp của văn hóa đọc, đều gắn liền với thú chơi sách. Điều đó cũng dễ hiểu vì khi đọc một cuốn sách hay người ta thường muốn lưu lại để ngâm nga hay giới thiệu cho những người xung quanh. Bởi vậy, thú chơi sách cũng được xem là đặc điểm tất yếu với những ai ham mê đọc sách. Chính là sự trải nghiệm của bản thân người đọc để tìm hiểu văn hóa, giá trị lịch sử mà nhân loại luôn muốn gìn giữ.

Kiến trúc sư Nguyễn Quốc Học đã dày công sưu tầm hơn 2.000 đầu sách với nhiều thể loại.

Khi nói về văn hóa vùng miền, không ai không muốn sở hữu bộ sách của nhà văn Toan Ánh về hàng loạt các khảo cứu đồ sộ về văn hóa của Việt Nam như “Miền Bắc Khai Nguyên” do Tiến Bộ xuất bản năm 1969, “Cao Nguyên Miền Thượng” do Quê hương xuất bản năm 1974. Hay “Vang bóng một thời” của nhà văn Nguyễn Tuân do Cảo Thơm xuất bản năm 1962. Đi dọc xuống miền Nam với cuốn “Sài Gòn năm xưa” của Vương Hồng Sển do Trí thức xuất bản năm 1970. Tất cả đều được liệt vào những cuốn sách quý hiếm.

Về văn học lãng mạn những năm 1934 - 1942 thì có những áng văn của Tự lực văn đoàn do những tác giả Tường Tam (Nhất Linh), Hoàng Đạo, Thạch Lam, Hồ Trọng Hiếu… Giai đoạn này với hàng loạt các tác phẩm như: “Trống Mái”, “Nửa chừng xuân”, “Gió đầu mùa”, “Nắng trong vườn”, “Hà Nội băm sáu phố phường”… và khó tìm nhất là bộ “Dòng sông Thanh Thủy” do Đời Nay ấn hành năm 1961. Giai đoạn sau có Vi Huyền Đắc, Đoàn Phú Tứ, Thanh Tịnh, Xuân Diệu… góp phần rất lớn vào gia tài văn học nước nhà.

Với những ai đam mê thơ thì tìm cuốn “Chơi giữa mùa trăng” của Hàn Mặc Tử; “Mấy vần thơ” của Thế Lữ xuất bản năm 1962, cũng như sách của các tác giả khác như Vũ Hoàng Chương, Huy Cận, Nguyên Sa, Nguyễn Đức Sơn… Và tập thơ “Ngày sanh của rắn” của triết gia Phạm Công Thiện, gồm vài chục trang song đến bây giờ cũng còn nguyên giá trị mà không mấy ai có được.

Những ai yêu mến sách chuyên đề về âm nhạc thì những bản viết tay với các ca khúc bất hủ của Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Phạm Duy, hay các ca khúc “Da vàng” của Trịnh Công Sơn; tập nhạc trữ tình của Lê Uyên Phương, Vũ Thành An... cũng không thể thiếu.

Học cho biết, trong thời đại kỹ thuật công nghệ phát triển, có lẽ nhiều người nói rằng với những trang điện tử mình sẽ tiếp cận nhanh hơn, xử lý thông tin dễ dàng hơn và vô vàn lý do khác nữa. Điều đó không sai, nhưng văn hóa đọc truyền thống không chỉ dừng lại ở việc tiếp cận tri thức mà còn rèn nhân cách con người nếu ai đó còn có ý muốn đi tìm đến tận cùng của chốn chân - thiện -  mỹ.

Với niềm đam mê và quan điểm về văn hóa đọc đó, hàng chục năm nay, KTS Nguyễn Quốc Học đã dày công sưu tầm hơn 2.000 đầu sách với nhiều thể loại như: triết học, sử học, kiến trúc, văn học nghệ thuật… Với anh, mỗi cuốn sách đều mang trong mình một ý nghĩa hết sức quan trọng về tri thức cũng như triết lý sống. Đồng thời, đây còn là “kho báu” giúp anh có nhiều vốn từ, thỏa sức tung tẩy từng con chữ trong sáng tác nghệ thuật, cũng như truyền cảm hứng về văn hóa đọc đến thế hệ trẻ.

Mạnh Phong


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.