Người Xê Đăng cúng thần Núi
Cũng như các dân tộc ở Trường Sơn – Tây Nguyên, người Xê Đăng quan niệm, vạn vật hữu linh, tức mọi vật đều có linh hồn; mỗi cái cây, ngọn cỏ, con sông hay ngọn núi đều có một vị thần cai quản, trong đó thần Núi có vị trí đặc biệt quan trọng, có ảnh hưởng nhất và được cầu khấn trong hầu hết các nghi lễ thờ.
Vì thế, trong hệ thống các nghi lễ truyền thống của mình, lễ cúng thần Núi (Phô ngong) được đồng bào Xê Đăng xem là một trong những lễ cúng lớn và quan trọng nhất.
Người Xê Đăng thường tổ chức lễ cúng thần Núi vào cuối năm. Đầu tiên già làng tổ chức họp làng để bàn bạc về cách thức, quy mô, lễ vật, thời gian, số lượng và thành phần khách mời. Trước đây, trong thời gian cúng thần Núi và ba ngày sau đó, người Xê Đăng cấm người ra vào làng, người làng không được lên rẫy, vào rừng săn bắn, hái nấm bẻ măng, chặt cây rừng...
Lễ cúng thần Núi phải đầy đủ các món như: gà, heo, cơm lam, bánh gói lá dong được làm từ những hạt nếp nương thơm dẻo…
Dân làng sẽ sửa sang nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ; chọn những người già mặc trang phục truyền thống có kinh nghiệm và khéo tay tham gia tạo tác, trang trí cây nêu truyền thống - hiện vật quan trọng bậc nhất trong các lễ hội, là cầu nối giữa làng bản với các vị thần linh. Khi cây nêu hoàn tất, các vị già làng tiến hành nghi lễ trồng cây nêu.
Thực hiện các nghi thức cúng thần Núi. |
Nêu dựng xong cũng là lúc mọi người với trang phục truyền thống chỉnh tề, rực rỡ cùng nhau lần lượt bước vào khoảng sân trước nhà làng tạo thành đội hình múa Chiêu. Nam mặc áo, mặc khố, nữ mặc váy và đeo hạt cườm múa, diễn tấu trống chiêng chung quanh cây nêu. Điệu múa Chiêu của thiếu nữ Xê Đăng với đôi tay hướng lên trời cầu xin và đón nhận sự che chở của thần linh cho bản làng yên vui, tránh gặp phong ba bão táp, dịch bệnh. Đội múa Chiêu đón khách vào ngôi nhà làng.
Sau đó, cả dân làng cùng theo chân già làng đến địa điểm cúng. Vừa đi vừa rải nước sương tinh khiết được lấy từ trong ống tre, cho mỗi nhà, để cho các vị thần biết được các gia đình trong làng ai ai cũng đi cúng thần Núi. Địa điểm cúng thường là một ngọn đồi nào đó cao nhất sau làng. Ngoài heo và gà được dâng lên lễ cúng thì dân làng sẽ chuẩn bị mỗi nhà một quả trứng gà; trứng được để trong cái giỏ đan bằng tre hoặc nứa, thể hiện sự nâng niu, trân trọng khi dâng lên thần Núi.
Trước tiên già làng sẽ thực hiện nghi thức bằng cách hú 3 tiếng và cả đoàn cúng cùng hú, lấy tiết các con vật bằng con dao nhọn (đây sẽ là con dao cúng cho cả năm, được cất kỹ vào giàn bếp sau khi cúng và tiếp tục dùng trong các lễ cúng khác). Gà được mổ ra để lấy tim gan và nướng tại đó. Sau khi nướng xong, già làng sẽ đưa dâng lên thần Núi, thông báo với thần là dân làng đã đến và kính dâng các vật phẩm đã chuẩn bị lên thần Núi. Lúc này, cả đoàn cùng dâng lên các vật phẩm đã được chuẩn bị. Sau khi cúng xong, già làng sẽ phân công các thanh niên trong làng khiêng heo, gà về nhà rông. Trên đường đi về phải đi đúng hàng thẳng lối, đi có khoảng cách, không được chen chúc, với quy tắc già làng đi trước. Khi sắp tới cổng làng, già làng cùng tất cả mọi người sẽ hú 3 tiếng, điều này có nghĩa, thông báo với thần linh là đoàn cúng đã trở về nhà và tiếp tục các phần cúng còn lại.
Đoàn cúng trở về nhà rông sau khi thực hiện nghi thức cúng. |
Sau khi nghe được tiếng hú reo, toàn bộ dân làng sẽ tập trung tại nhà rông, cùng quây quần ăn cơm, uống rượu cần bên bếp lửa, bên tiếng cồng chiêng. Già làng nhắc nhở con cháu cố gắng học hành, vợ chồng đầm ấm, gia đình hạnh phúc, cùng nhau lao động. Già làng sẽ chia thịt cho mỗi nhà, thịt được xỏ vào dây lạt, người cầm miếng thịt cũng phải nâng niu cẩn trọng. Sau đó, các gia đình trở về lại nhà, cầm miếng thịt được chia về nấu cơm cúng và mời bà con trong làng, quý khách gần xa cùng về ăn cơm, uống rượu cần, đánh cồng chiêng và hát cho nhau nghe.
Lễ cúng thần Núi là lễ thức phản ánh rõ nét tín ngưỡng đa thần của đồng bào Xê Đăng; thể hiện cung cách ứng xử nhân văn giữa con người với ngọn núi, cánh rừng, con sông, dòng suối. Họ luôn biết ơn mẹ thiên nhiên, mẹ rừng và mãi gắn bó, chan hòa với vạn vật, với thế giới siêu nhiên, nơi mình sinh ra, lớn lên và trưởng thành.
Sơn Gia Phúc
Ý kiến bạn đọc